09:08, 29/08/2014

Đẩy mạnh phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp

Những ngày này, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận rải rác các bệnh nhân nhi bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy cấp. Nằm ở phòng tiêu hóa 3, cháu Nguyễn Hải Hà (13 tháng tuổi, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, sốt.

Những ngày này, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận rải rác các bệnh nhân nhi bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy cấp (TCC). Nằm ở phòng tiêu hóa 3, cháu Nguyễn Hải Hà (13 tháng tuổi, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, sốt. Theo người nhà của cháu Hà, trước đó 2 ngày, cháu có biểu hiện sốt,  kèm theo tiêu chảy, nôn ói nhẹ. Gia đình có đưa cháu đi khám và uống thuốc, nhưng thấy tình trạng không cải thiện nên chuyển cháu vào bệnh viện. Nằm cùng phòng, cháu Phạm Trọng Hòa (7 tháng tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng tương tự, đi tiêu chảy 5 - 6 lần/ngày…


Bác sĩ Biện Thị Nga -  Phó Trưởng khoa Nhi cho biết, trong 3 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng, Khoa tiếp nhận khoảng 140 cháu bị TCC nhập viện. Trong những tháng gần đây, số trẻ nhập viện vì bệnh này có giảm, chỉ còn khoảng 100 cháu/tháng; riêng 20 ngày đầu của tháng 8 có 76 cháu. Độ tuổi trẻ mắc nhiều nhất từ 2 tháng đến 3 tuổi. Bệnh TCC xảy ra quanh năm, thường tăng cao vào mùa lạnh và mùa hè. Nguồn gây bệnh chủ yếu là do thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh và qua tay người lành mang trùng. “Triệu chứng lâm sàng của bệnh TCC là trẻ sốt, vật vã, tiêu chảy nhiều lần, đi tiểu ít. Bệnh lý này không gây nguy hiểm tức thời, nhưng nếu để trẻ bị mất nước nhiều có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, khi trẻ bị mắc bệnh, phụ huynh phải nhanh chóng bù nước cho trẻ bằng oresol hoặc nước cháo, canh, xúp, nước khoáng, nước dừa có pha ít muối. Đặc biệt, tránh cho trẻ uống nước ngọt có ga, vì loại này sẽ tăng áp lực thẩm thấu kéo nước vào đường ruột làm cho phân càng lỏng, trẻ càng đi cầu nhiều dẫn đến mất nước nhiều” - bác sĩ Nga khuyến cáo.  

 

Số trẻ bị tiêu chảy cấp nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh giảm so với tháng trước.
Số trẻ bị tiêu chảy cấp nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh giảm so với tháng trước.

   
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6.000 ca tiêu chảy, tăng không nhiều so với năm ngoái, có 1 ca tử vong do cơ thể bị suy dinh dưỡng nặng; so với từng tháng không có sự đột biến, bình quân mỗi tháng toàn tỉnh ghi nhận khoảng từ 800 đến 900 ca.

 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng tránh các bệnh về tiêu hóa, cần cho trẻ ăn chín, uống sôi và không nên cho trẻ ăn thức ăn đã hâm đi hâm lại nhiều lần. Phụ huynh, người trông trẻ nên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; cắt móng tay, thực hiện tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ. Ngoài ra, thức ăn sau khi nấu chín cần đậy nắp cẩn thận, tránh ruồi nhặng; thực phẩm mua cho trẻ nên có nhãn mác; nên cho trẻ bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt… Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài không nên tự tiện mua thuốc cho trẻ sử dụng mà phải đến cơ sở y tế để kiểm tra và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay từ đầu năm, ngành đã xây dựng kế hoạch phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trên cơ thể người, trong đó có bệnh TCC. Vào đầu tháng 8, khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường phòng, chống bệnh TCC. Theo đó, yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện giám sát chặt chẽ những trường hợp mắc bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, tập trung vào bệnh TCC nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch, không để bùng phát; củng cố các đội chống dịch cơ động để sẵn sàng điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch khi cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cho người bệnh; dự trù đủ cơ số thuốc, các trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh TCC; tổ chức thu dung, chẩn đoán, phân loại, cách ly điều trị cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong; tập huấn lại cho cán bộ y tế về chẩn đoán và điều trị bệnh TCC. Các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca mắc bệnh đầu tiên để khoanh vùng và xử lý dịch kịp thời theo quy định; tổ chức phân tuyến điều trị tránh tình trạng gây quá tải và lây nhiễm chéo…


Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là đối với cơ sở sản xuất thức ăn nhanh… “Hiện nay, các cơ sở y tế đã và đang triển khai tốt chỉ đạo trên” - bác sĩ Bùi Xuân Minh nói.


T.L