11:07, 02/07/2014

Phòng, chống bệnh tay chân miệng

Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.


Việt Nam bắt đầu phát hiện bệnh TCM từ năm 2005. Đến nay, mỗi năm cả nước có khoảng 100.000 - 150.000 trường hợp bị bệnh TCM, trong đó các tỉnh, thành phố phía Nam chiếm trên 80% tổng số ca mắc. Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.500 trường hợp mắc TCM, có 2 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần, cả nước có khoảng 1.500 trường hợp mắc mới. Riêng tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay có gần 900 trường hợp mắc bệnh TCM.


Bộ Y tế nhận định, bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa tốt nên nguy cơ dịch bệnh TCM gia tăng trong thời gian đến là rất cao.


Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng


Bệnh TCM gây ra do các loại virut thuộc nhóm đường ruột, trong đó hay gặp là virut đường ruột tuýp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Virut gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Trong tuần đầu tiên, người bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất và thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virut vẫn tồn tại trong phân). Bệnh TCM không lây truyền từ người tới vật nuôi, động vật và ngược lại.


Triệu chứng của bệnh tay chân miệng


Thời gian ủ bệnh tới khi khởi phát thường là 3 - 7 ngày. Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như: Sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên đau họng; 1, 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp trên lưỡi, nướu răng (lợi), niêm mạc má và sau đó trở thành vết loét. Phát ban trên da nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên mông và ở cơ quan sinh dục. Ngoài ra, người bị bệnh TCM có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng, trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các biến chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.


Cách chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại nhà


Cần cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không kiêng khem quá mức; dùng muỗng mềm cho trẻ ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn uống đồ có nhiều gia vị; súc miệng bằng nước muối ấm (1/2 muỗng canh muối hòa trong 200ml nước ấm); chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau cùng các thuốc khác do bác sĩ kê đơn; tránh làm vỡ mụn nước. Mặt khác, rửa tay sau mỗi lần chăm trẻ; rửa đồ chơi của trẻ bệnh bằng xà phòng, sau đó tẩy bằng dung dịch CloraminB 2%.

 

Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Sốt từ 39oC trở lên hoặc kéo dài từ 48 giờ trở đi; nôn; quấy khóc, bứt rứt; ngủ lịm; cơ co giật (lúc mới ngủ); chân tay múa máy, quờ quạng (lúc mới ngủ) hoặc đi loạng choạng; mắt đảo vòng (lúc mới ngủ); chân, tay yếu; thở khó khăn, thở nhanh; da nổi vằn.


Hầu hết bệnh TCM tự khỏi. Bệnh xảy ra ở trẻ nhiều lần trong đợt dịch là điều bình thường vì mỗi lần bệnh do nhiễm loại virut khác nhau.


Phòng, chống bệnh tay chân miệng

Thực hành rửa tay thường xuyên để phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Thực hành rửa tay thường xuyên để phòng, chống bệnh tay chân miệng.


Để phòng, chống bệnh TCM, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước khi chế biến thức ăn, hoặc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, sau khi tiếp xúc với các tổn thương bọng nước ở trẻ bệnh TCM. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, dùng chung khăn tay, khăn ăn; thường xuyên làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ; phân, chất thải của trẻ phải được xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ bị bệnh TCM cần được điều trị kịp thời tại cơ sở y tế, không cho trẻ bị mắc bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, nơi đông người ít nhất 10 ngày để tránh lây bệnh cho trẻ khác.


BS. TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)