Qua 10 năm tiếp nhận các kỹ thuật điều trị, chỉnh hình dị tật bẩm sinh về vận động ở trẻ, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó.
Qua 10 năm tiếp nhận các kỹ thuật điều trị, chỉnh hình dị tật bẩm sinh (DTBS) về vận động ở trẻ, Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Để nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị, Khoa tiếp tục tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến trong điều trị các bệnh lý này từ BV tuyến trên.
Điều trị thành công nhiều ca bệnh
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng Khoa Ngoại CTCH - Bỏng, BVĐK tỉnh cho biết, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua các đợt khám sàng lọc cho thấy, số trẻ bị DTBS cơ quan vận động tại Khánh Hòa hiện nay tương đối nhiều, trong đó nhiều nhất là các dị tật như bàn chân khoèo, bàn chân bẹt, chân chữ X, chữ O, thừa hoặc thiếu ngón tay, ngón chân… Gần 10 năm qua (2004 - 2014), Khoa đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới về điều trị một số bệnh lý này và ứng dụng điều trị thành công hàng trăm ca. Qua đó, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, giúp trẻ tiếp cận các phương pháp điều trị mới tại địa phương.
Tiếp nhận kỹ thuật điều trị chân khoèo từ tuyến trên tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng. |
Điển hình như cháu Đặng Anh D. (20 tháng tuổi, Vĩnh Trường, Nha Trang) được phát hiện mắc bệnh bàn chân khoèo bẩm sinh. Sau hơn 6 tháng được các bác sĩ Khoa Ngoại CTCH - Bỏng điều trị bằng phương pháp Ponseti (hiện nay phương pháp này được ứng dụng nhiều ở những nước tiên tiến), bàn chân của cháu đã trở lại bình thường. Chị Nguyễn Thị Hòa, mẹ cháu D cho biết: “Lần tháo bột cuối cùng cách đây 3 tháng, tôi thấy 2 chân cháu thẳng hơn, không còn cong như lúc mới sinh. Theo chỉ dẫn của bác sĩ, tôi đang cho cháu mang nẹp giày. Hy vọng cháu sẽ đi đứng bình thường”.
Ra đời được 1 tháng tuổi, cháu Nguyễn Ngọc Trà M. (3,5 tuổi, Diên Lạc, Diên Khánh) được bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh bàn chân khoèo bẩm sinh khá nặng với tình trạng 2 bàn chân cong vòng, vẹo vào nhau. Qua 3 năm được điều trị bó bột, làm thủ thuật ở gót chân, mang nẹp giày tại Khoa Ngoại CTCH - Bỏng, hiện nay cháu M. đã đi đứng bình thường.
Tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật khó
Có mặt trong đợt chuyển giao kỹ thuật điều trị DTBS cơ quan vận động ở trẻ cho Khoa Ngoại CTCH - Bỏng vào cuối tháng 4 vừa qua, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn - Phó Khoa Chấn thương Nhi, BV CTCH TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thực hiện Đề án 1816, chúng tôi đã chuyển giao cho Khoa Ngoại CTCH - Bỏng, BVĐK tỉnh một số kỹ thuật trong điều trị DTBS về vận động ở trẻ như chân khoèo, ngón thừa, sẹo co rút, vẹo cổ do co rút cơ ức đòn chủm, khớp giả bẩm sinh... Điều thuận lợi là Khoa đã hình thành ê-kíp bác sĩ chuyên điều trị các DTBS về vận động cho trẻ”. Cũng theo bác sĩ Mẫn, so với các tỉnh, thành khác, ê-kíp này đã tiếp nhận và triển khai điều trị khá tốt các bệnh lý thừa ngón, cắt ngón, rút ngón, dính ngón, chân khoèo, bàn chân bẹt, chân chữ X, chữ O, các sẹo co rút, hẹp bao gân. Đối với những kỹ thuật điều trị các dị tật phức tạp, khó như trật khớp háng bẩm sinh, khớp giả bẩm sinh đòi hỏi tay nghề cao, BV CTCH TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục chuyển giao.
Được biết, DTBS về vận động ở trẻ trong cộng đồng rất lớn, đa dạng và phức tạp. So với người lớn, việc điều trị các bệnh lý này ở trẻ nhỏ khó hơn nhiều do xương, khớp của trẻ đang phát triển. Ngoài ra, thời gian điều trị các bệnh lý này kéo dài, đòi hỏi người nhà của trẻ phải kiên nhẫn. Tuy nhiên khi thấy bệnh của con chưa thuyên giảm, nhiều gia đình vội vàng chuyển sang điều trị cho trẻ theo phương pháp khác. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến việc điều trị sau này của trẻ. Ngoài ra, một số trường hợp không tuân thủ đúng phác đồ và thời gian điều trị, dẫn đến bệnh của trẻ bị tái phát nhiều lần.
Bác sĩ Mẫn khuyên, để đạt kết quả tốt trong điều trị DTBS về vận động ở trẻ, người nhà phải kiên trì và phối hợp tốt với bác sĩ trong tập luyện cho trẻ. Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường về vận động, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm.
THẢO LY