01:05, 20/05/2014

Gia tăng bệnh tay chân miệng

Giữa tháng 5, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 571 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm gần 12% so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên, hiện nay dịch tay chân miệng đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Giữa tháng 5, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 571 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), giảm gần 12% so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên, hiện nay dịch TCM đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả.


Nhiều trẻ nhập viện


Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 4, số trẻ nhập viện điều trị bệnh TCM là 71 ca, giữa tháng 5 là 40 ca (tăng gần gấp đôi so với tháng 3 và gấp 3 lần so với tháng 1, 2). Bác sĩ (BS) Nguyễn Đông - Trưởng khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết: “Hiện nay đang là cao điểm của nhiều bệnh truyền nhiễm mùa hè, trong đó có bệnh TCM. Vì vậy, để tránh quá tải, lây nhiễm chéo, gây bội nhiễm cho bệnh nhân, chúng tôi chỉ điều trị nội trú đối với những bệnh nhân nặng, những trẻ bệnh nhẹ thì cho điều trị ngoại trú và hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc tại nhà”.


Tại các BVĐK khu vực Cam Ranh, Ninh Hòa, Ninh Diêm, Vạn Ninh, số trẻ mắc bệnh TCM nhập viện điều trị trong tháng 4 và tháng 5 đều tăng, gấp gần 3 lần so với các tháng trước. Với vẻ lo lắng, chị Trần Thị Thu - mẹ của bé Trịnh Thùy Loan (21 tháng tuổi, Linh Tân, Cam Linh, Cam Ranh) cho biết: “Mấy ngày vừa rồi, bé bị sốt cao liên tục 39 - 40oC, không chịu ăn uống, khóc quấy, trong miệng xuất hiện nốt bỏng. Gia đình đã đưa bé đi khám ở phòng mạch tư nhưng thấy bệnh của bé không thuyên giảm nên đưa bé vào BV. BS chẩn đoán bé mắc bệnh TCM độ 2a và cho nhập viện điều trị”.

 

 Bác sĩ Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.


Theo BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm Sở đã có kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh TCM. Trước tình hình bệnh TCM gia tăng, đầu tháng 5, Sở đã có văn bản chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện, thị xã, thành phố xây dựng lại kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn. Đồng thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc ở cộng đồng, nhà trẻ, các trường học, tiến hành cách ly kịp thời, tránh để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó, tập huấn, cập nhật lại kiến thức về căn bệnh này cho đội ngũ cán bộ y tế; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền sâu rộng việc rửa tay bằng xà phòng trong trường học, cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ... Ngoài ra, yêu cầu các cơ sở điều trị tiến hành rà soát lại nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất; thực hiện thu dung, điều trị người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, tránh tình trạng lây nhiễm chéo; báo cáo các ca bệnh kịp thời, chính xác theo quy định.


Không chủ quan


BS Nguyễn Ngọc Anh - Khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh cho biết, bệnh TCM là bệnh lây lan do một nhóm vi rút đường ruột, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể trở nặng và gây các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hệ hô hấp, làm trẻ bị suy tim, viêm phổi, giật thần kinh...., bệnh nhân dễ tử vong trong vòng 24 giờ sau khi mắc bệnh kèm các biến chứng trên. Do đó, phòng bệnh là biện pháp hàng đầu hiện nay.


Bệnh có thể lây theo 2 cách: Qua đường hô hấp và qua tiếp xúc với các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, đặc biệt đối với trẻ có hệ miễn dịch kém. Bệnh trở nặng đối với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, gây ra các biến chứng nguy hiểm và khả năng tử vong cao ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống. “Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy trẻ có biểu hiện: Sốt cao trên 39oC, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, tay chân run, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, co giật, hôn mê thì phải tái khám ngay lập tức” - BS Ngọc Anh khuyên.

 


Cách phòng bệnh cho trẻ là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt. Bên cạnh đó, cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Để tránh lây cho trẻ khác, nên cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh hoặc cho đến khi hết bóng nước hoặc hết loét trong miệng.


THẢO LY


 


Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện nay các địa phương có số mắc bệnh TCM cao là Ninh Hòa (178 ca), Cam Ranh (129 ca),TP. Nha Trang (110 ca), đặc biệt TP. Cam Ranh có số ca mắc tăng 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các ca mắc đều ở thể nhẹ, không có biến chứng. Toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 9 ổ dịch.

Trẻ mắc bệnh TCM thường có dấu hiệu: sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Nếu bệnh nhẹ, có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách: dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Hạ sốt bằng Paracetamol liều 10mg/kg/lần (uống) cách nhau 6 giờ. Vệ sinh răng miệng. Nghỉ ngơi, tránh kích thích. Tái khám thường xuyên trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh.