11:05, 14/05/2014

Ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến

Với việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị như "Nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT", "Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm"…, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Với việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị như “Nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT”, “Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm”…, Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi đã từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.


Chị Phan Thị P. (44 tuổi, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) vào BV Lao và Bệnh phổi trong tình trạng ho ra máu, sút cân, sốt về chiều, ăn ngủ kém. Sau khi khám, đưa mẫu đờm nuôi cấy theo kỹ thuật mới, chị P. được chẩn đoán bị mắc bệnh lao phổi có vi trùng. Sau 8 tháng điều trị, bệnh của chị P. dứt hẳn. Chị P. cho biết: “Thời gian đầu, khi nhập viện, tôi nghe nói để chẩn đoán chính xác có vi khuẩn lao trong đờm hay không phải mất gần 2 tháng để làm xét nghiệm. Tôi rất lo, vì trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn phải uống thuốc điều trị lao, nếu sau xét nghiệm cho kết quả âm tính thì liệu việc uống thuốc với thời gian dài như thế có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Sau khi BV áp dụng phương pháp mới, chỉ trong vòng 7 ngày đã cho ra kết quả chính xác bệnh của tôi”.


Bệnh nhân (BN) Trần Ngọc C. (54 tuổi, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cũng vào BV Lao và Bệnh phổi với các triệu chứng tương tự chị P. BN được chẩn đoán nghi mắc bệnh lao, được chỉ định nội soi phế quản và lấy mẫu bệnh phẩm nuôi cấy bằng phương pháp mới. 10 ngày sau, mẫu bệnh phẩm của BN cho ra kết quả dương tính. Sau hơn 6 tháng điều trị theo đúng phác đồ, sức khỏe của BN đã ổn định, các tình trạng trên không còn.


Bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh, năm qua, BV đã ứng dụng và triển khai thành công một số thủ thuật, kỹ thuật cận lâm sàng mới, tiên tiến. Trong đó, thành công và hiệu quả nhất là kỹ thuật MGIT và “Kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm”. Hai kỹ thuật này bổ trợ lẫn nhau, giúp việc điều trị bệnh lao và phổi của BV đạt kết quả tốt hơn, giảm hẳn tình trạng chuyển lên tuyến trên, nhất là đối với những bệnh lao khó chẩn đoán.

 

 Kỹ thuật viên đang thực hiện nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT.
Kỹ thuật viên đang thực hiện nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT.


Theo bác sĩ Phương, điểm nổi bật của kỹ thuật MGIT là thời gian nhận diện sự phát triển của trực khuẩn lao trong ống nghiệm nhanh gấp nhiều lần (từ 4 đến 14 ngày) so với kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn lao bằng môi trường đặc (từ 45 đến 60 ngày). “Trước kia, khi còn sử dụng kỹ thuật cũ, BV gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác những BN mắc các bệnh lao khó chẩn đoán. Muốn chẩn đoán chính xác đều phải chờ từ 45 đến 60 ngày hoặc gửi lên tuyến trên. Điều này vừa làm chậm trễ việc điều trị vừa gây phiền hà, tốn kém cho bệnh nhân. Từ khi triển khai thành công kỹ thuật mới này, rất nhiều ca bệnh đã được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, giảm thời gian và chi phí cho người bệnh. Qua hơn nửa năm triển khai, BV đã nuôi cấy được gần 100 ca, trong đó có nhiều ca đã cho kết quả dương tính trong 7 đến 14 ngày”.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thực hiện khoảng 18.600 lượt khám, phát hiện 370 BN mới mắc bệnh lao, điều trị khỏi cho 372 người, hiện đang quản lý điều trị cho 2.409 BN.

Bên cạnh đó, BV Lao và Bệnh phổi còn đưa kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm vào chẩn đoán và điều trị. Đây là kỹ thuật hiện đại, giúp bác sĩ quan sát được bên trong lòng phế quản. Qua đó, chẩn đoán chính xác và điều trị tốt hơn những tổn thương trong lòng khí - phế quản. Trước kia, khi chưa triển khai được kỹ thuật này, những BN nghi mắc bệnh lao phổi nhưng chưa tìm thấy vi khuẩn lao trong đàm hoặc các bệnh về đường hô hấp khó chẩn đoán, đều phải chuyển lên tuyến trên. Từ khi áp dụng kỹ thuật này, BN đã được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với những trường hợp nghi mắc bệnh lao phổi nhưng chưa tìm thấy vi khuẩn lao trong đàm, BV đã cho nội soi và súc rửa phế quản của BN, sau đó lấy dịch rửa phế quản làm xét nghiệm soi đàm thuần nhất và thực hiện MGIT. Hơn nửa năm triển khai, BV đã thực hiện hàng chục ca, trong đó nhiều ca có kết quả rất khả quan, trong và sau thủ thuật đều an toàn, không có tai biến xảy ra. Đây là một bước đột phá của BV trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn.


Từ nay đến cuối năm, BV sẽ tiếp tục phối hợp với các BV Trung ương để tiếp nhận những kỹ thuật mới, cao trong điều trị như: soi kính hiển vi bằng phương pháp huỳnh quang đèn led, siêu âm tổng quát, phá vách trong tràn dịch màng phối; phẫu thuật đặt ống ngực... Ngoài ra, BV đang làm đề án để nâng từ BV hạng 3 lên hạng 2 để phục vụ người bệnh tốt hơn, giảm thiểu tình trạng chuyển BN lên tuyến trên.


THẢO LY