11:04, 23/04/2014

Xuất hiện nhiều bệnh mùa hè

Từ giữa tháng 3 đến nay, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, so với cả nước, số ca mắc bệnh sởi ở tỉnh khá thấp…

Từ giữa tháng 3 đến nay, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, so với cả nước, số ca mắc bệnh sởi ở tỉnh khá thấp…


Bệnh tay chân miệng tăng cao


Ngày 19-4, tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có khá nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh và tái khám. Vào buổi sáng, Khoa tiếp nhận khoảng 15 bệnh nhân, trong đó chiếm gần 1/2 là trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng (TCM), còn lại là bệnh quai bị, thủy đậu, phát ban, sốt siêu vi… Hầu hết các trẻ bị mắc bệnh TCM đến khám tại Khoa đều có những triệu chứng điển hình như: sốt nhẹ, mệt mỏi, xuất hiện các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông.

 

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh. Ảnh: Hồng Quang
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh.


Bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, bình quân mỗi ngày, Khoa tiếp nhận và điều trị từ 5 đến 10 trẻ bị mắc bệnh TCM, cao gần gấp đôi so với các tháng trước. Hiện nay, đang là mùa hè - thời điểm xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, để tránh lây nhiễm chéo, gây bội nhiễm cho bệnh nhân, chúng tôi chỉ điều trị nội trú đối với những ca nặng; trường hợp nhẹ thì điều trị ngoại trú và được hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc tại nhà”.


Tại Khoa Nhiễm của BVĐK khu vực Ninh Hòa và Cam Ranh, từ đầu tháng 4 đến nay, số trẻ khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm như: thủy đậu, quai bị, sốt phát ban, TCM cũng tăng gần gấp đôi so với các tháng trước đó, trong đó chiếm gần một nửa là bệnh TCM.  


Bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 284 ca TCM, 851 ca thủy đậu, 127 ca quai bị, 40 ca phát ban… Trong đó, số ca mắc TCM đang có xu hướng gia tăng. Bình quân mỗi tuần, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 20 ca mắc mới.

Một số bệnh truyền nhiễm (như: thủy đậu, sởi, phát ban, bệnh TCM) có các dấu hiệu ban đầu tương đối giống nhau với triệu chứng như: sốt nhẹ, nhức nhỏi và đều có phát ban. Tuy nhiên, sau khi phát ban, mỗi bệnh có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn như: Ở bệnh thủy đậu, các vết ban hồng thường xuất hiện đầu tiên ở ngực, bụng, sau đó lan ra toàn thân. Sau 2 ngày, trên các nốt hồng ban xuất hiện bóng nước. Ở bệnh sởi có kèm theo các triệu chứng đỏ mắc, ho nhiều, sốt cao; sau đó, ban nổi nhiều ở khắp cơ thể. Khi trẻ hết sốt, các nốt ban cũng hết theo nhưng để lại các vết thâm và sần. Khoảng nửa tháng, các vết này mới tan hết. Ở bệnh phát ban, các nốt ban nổi rải rác, khi trẻ hết sốt, các vết ban cũng lặn theo và không để lại dấu vết gì trên cơ thể trẻ. Riêng đối với bệnh TCM, sau khi phát ban thì trong vòng 6 đến 12 giờ, các bóng nước sẽ xuất hiện trên các nốt hồng ban.

Bệnh sởi thấp

 

Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận có hơn 9.000 ca mắc sởi, trong đó có 116 trẻ đã tử vong liên quan đến bệnh sởi. Tại Khánh Hòa, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ ghi nhận có 8 ca mắc bệnh sởi, tất cả đều ở TP. Nha Trang. Trong đó, 4 ca là người lớn (từ 24 đến 51 tuổi) còn lại là trẻ em. Trong các ca này, có 1 trẻ (8 tháng tuổi) bị biến chứng viêm phổi nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực tại Khoa Nhiễm của BVĐK tỉnh, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.


Bác sĩ Nguyễn Đông khuyến cáo, tuy số ca mắc bệnh sởi ở tỉnh khá thấp, nhưng người dân không nên chủ quan. Vì năm nay, số người mắc bệnh sởi xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Vi rút gây nên bệnh này thường gây tổn thương nhiều cơ quan trên cơ thể, nên khi trẻ mắc bệnh rất dễ bị sụt cân, suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng. Vì thế, nó dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: mù lòa, viêm não, viêm phổi nặng, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ bị tử vong.


Theo các bác sĩ, để phòng ngừa các bệnh mùa hè cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nơi ở phải thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…


T.L



Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện Phó Viện Pasteur Nha Trang cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay có khá nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh đưa trẻ đến tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi - quai bị - rubella tại Trung tâm sinh học lâm sàng của Viện. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80 - 90 trẻ, cao điểm có ngày lên đến 150 trẻ. Tổng số liều vắc xin Trung tâm đã thực hiện tiêm dịch vụ cho trẻ từ ngày 1 đến 21-4 là  khoảng 1.200 liều.


Do sự gia tăng đột biến về nhu cầu nên đến ngày 22-4, Viện đã hết vắc xin này. Hiện nay Viện cũng đang đề nghị một số nhà sản xuất cung cấp. Hy vọng trong thời gian ngắn, lượng vắc xin này sẽ được đưa về để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân.


Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng vì những người đã mắc sởi thì không cần tiêm ngừa, trẻ đã tiêm được 2 mũi sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì hầu như không có khả năng mắc bệnh này, nếu có mắc thì cũng sẽ rất nhẹ. Ở khu vực miền Trung đến thời điểm này, số ca mắc sởi tương đối thấp (109 ca) và rải rác, điều đó cho thấy chương trình tiêm chủng mở rộng ở khu vực này thực hiện khá tốt nên số lượng người miễn dịch trong cộng đồng rất lớn.