10:04, 07/04/2014

Bệnh thủy đậu đang gia tăng

Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh thủy đậu đang vào mùa và có xu hướng gia tăng. 3 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 393 ca, cao hơn tổng số ca mắc trong năm 2013 khoảng 70 ca.

Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh thủy đậu đang vào mùa và có xu hướng gia tăng. 3 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 393 ca, cao hơn tổng số ca mắc trong năm 2013 khoảng 70 ca.


Thủy đậu vào mùa


Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận mới từ 2 đến 3 ca bệnh thủy đậu với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó phần lớn là trẻ em. Cháu Tôn Nữ Nguyên H. (4 tuổi, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi nhiều bóng nước trên thân, ngứa nhiều. Cháu được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu thời kỳ khởi phát. Sau khi được điều trị theo đúng phác đồ, các nốt bóng nước đã đóng vảy, bệnh thuyên giảm hẳn... 2 chị em Lê Vũ Thủy T.  (14 tuổi) và Lê Vũ Cát T. (6 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) cũng nhập viện trong tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Hồng H. - mẹ của 2 cháu cho biết: “Lúc đầu thấy 2 cháu mệt, sốt, cứ tưởng bị cảm thông thường nên tôi chỉ mua thuốc cho uống. Sau 4 ngày, thấy con vẫn sốt, trên người lại nổi nhiều nốt đỏ nên gia đình cho nhập viện, qua đó mới biết 2 cháu bị mắc bệnh thủy đậu. Các bác sĩ cho biết, may mà các cháu nhập viện sớm, nếu chủ quan mua thuốc bên ngoài uống, điều trị không đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.    


Tại các BVĐK khác như: Cam Ranh, Ninh Hòa, Ninh Diêm, Diên Khánh, Vạn Ninh..., bình quân mỗi ngày cũng tiếp nhận mới từ 1 đến 2 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, năm nay, trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám và được chỉ định điều trị ngoại trú tại các bệnh viện không chỉ có trẻ em mà còn khá nhiều người lớn ở các độ tuổi khác nhau. Đa số người mắc là do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

 

Trẻ bị thủy đậu đang được điều trị tại Khoa Nhiễm .
Trẻ bị thủy đậu đang được điều trị tại Khoa Nhiễm


Bệnh dễ lây lan


Bác sĩ Nguyễn Đông - Trưởng khoa Nhiễm BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh thủy đậu rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch, thường xuất hiện vào cuối mùa đông và kéo dài cho đến hết mùa xuân. Bệnh do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (thời kỳ ủ bệnh), người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban và sau 1-2 ngày mới xuất hiện mụn bóng nước. Thông thường, các mụn bóng nước xuất hiện đầu tiên ở ngực, bụng rồi mới lan ra toàn thân. Mụn bóng nước nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng...


Theo bác sĩ Đông, bệnh thủy đậu thường diễn biến lành tính; nhưng nếu không được điều trị đúng, để dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng tại các mụn bóng nước. Khi bị biến chứng này, nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng, cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu.


Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não... Biến chứng viêm phổi thường gặp ở người lớn, xuất hiện từ ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, nhưng cũng có thể nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và gây tử vong. Riêng trường hợp bị viêm não, tỷ lệ tử vong chiếm 5-20%. Khi được cứu sống, vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại. Đặc biệt, người mẹ mang thai 3 tháng cuối mà mắc bệnh thủy đậu, khi sinh ra, trẻ dễ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (bị sẹo da, nhẹ cân, đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc, tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...). Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh 5 ngày đến sau sinh 48 giờ, tỷ lệ trẻ sinh ra bị tử vong chiếm khoảng 30%.


“Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp. Bệnh còn có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh. Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin. Đây là biện pháp bảo vệ hiệu quả cao (hơn 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời” - bác sĩ Đông khuyến cáo.


T.L


.