12:03, 20/03/2014

Những tấm lòng vì bệnh nhân

Với tinh thần làm việc tận tụy vì người bệnh, dược sĩ chuyên khoa I Lê Sĩ Hoàng Hải và hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt đã vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Với tinh thần làm việc tận tụy vì người bệnh, dược sĩ chuyên khoa I Lê Sĩ Hoàng Hải và hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt đã vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.


Người “cảnh sát” tận tụy với công việc


Dáng người dong dỏng, nụ cười luôn thường trực trên môi là hình ảnh đầu tiên của tôi về anh - Dược sĩ chuyên khoa I Lê Sĩ Hoàng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, người được các đồng nghiệp trìu mến gọi là “cảnh sát” bởi sự kỹ lưỡng, nghiêm khắc trong công việc.

 

Dược sĩ chuyên khoa I Lê Sĩ Hoàng Hải đang kiểm tra kho thuốc.
Dược sĩ chuyên khoa I Lê Sĩ Hoàng Hải đang kiểm tra kho thuốc.


Sinh ra ở Cam Ranh, trong gia đình đều làm nghề y, nhưng anh Hải lại chọn theo nghề dược vì yêu thích hóa học. Năm 1987, tốt nghiệp trung cấp dược, anh được điều về Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn làm thủ kho, thu mua dược liệu và bào chế thuốc. Chứng kiến sự thiếu thốn về thuốc men, hóa chất của Trung tâm, anh vận dụng những kiến thức đã học để bào chế một số dung dịch như i-ốt 20%, Clorin 2%... Những dung dịch trên đã giúp cho Trung tâm, các trạm y tế của huyện Khánh Sơn có hóa chất sử dụng cho việc sát khuẩn, tẩy trùng, chống nhiễm khuẩn trong điều trị. Anh còn bào chế thuốc chống viêm nhiễm bôi ngoài da và pha chế các loại cây thuốc để điều trị thấp khớp. Sau khi tốt nghiệp đại học và chuyên khoa I về Y tế công cộng, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm, anh tiếp tục thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với mục đích góp phần nâng cao hơn chất lượng điều trị tại Trung tâm và các trạm y tế xã.


Hơn 27 năm phụ trách mảng dược, điều làm dược sĩ Hải tự hào nhất là chưa khi nào anh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhất là đối với những nhóm thuốc dùng trong cấp cứu hồi sức, trợ tim. Để có được kết quả đó, anh thường xuyên đi giám sát tìm hiểu các loại dịch bệnh; xây dựng và lên kế hoạch dự trù để mua bổ sung thuốc kịp thời; yêu cầu nhân viên phải sắp xếp thuốc theo từng nhóm để dễ kiểm tra, giám sát. Điều làm anh trăn trở nhất là hiện nay là số lượng bác sĩ ở Khánh Sơn quá ít. “Năm 2003, lãnh đạo Trung tâm đã thực hiện Kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực cho toàn đơn vị. Qua 5 năm thực hiện đã bố trí đủ bác sĩ ở Trung tâm và các trạm y tế xã nhưng do đời sống vất vả, khó khăn nên có 10 bác sĩ bỏ việc, chuyển đi nơi khác. Hiện chúng tôi đang phải đào tạo lại” -  anh Hải tâm sự.


Với những thành tích đạt được, dược sĩ Hải đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Y tế. Tuy nhận được nhiều lời mời ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc hoặc về Sở Y tế công tác nhưng anh đều từ chối. Anh muốn ở lại Khánh Sơn để góp một phần nhỏ công sức nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng y tế miền núi.


“Mẹ” của những trẻ sơ sinh


Nhìn nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh cẩn thận quấn từng nếp khăn ủ ấm cho các trẻ sơ sinh, tỉ mỉ dặn dò, hướng dẫn sản phụ cách cho trẻ bú, mới hiểu vì sao mọi người đều trìu mến gọi chị là “mẹ” của những trẻ sơ sinh.

 

Nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt chăm sóc trẻ sơ sinh.
Nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt chăm sóc trẻ sơ sinh.


Hơn 25 gắn bó với nghề, chứng kiến những lần “vượt cạn” đầy đau đớn, có khi kề cận cái chết của sản phụ do những tai biến sản khoa, chị lại cố gắng học tập từ sách vở và trong thực tiễn để nâng cao chuyên môn, nhằm chăm sóc sản phụ tốt hơn. Chị không nhớ nổi mình đã đỡ đẻ thành công bao nhiêu ca, chỉ hạnh phúc viên mãn mỗi khi các ca được “mẹ tròn, con vuông”. “Khi vào đây, người bệnh giao phó tính mạng cho mình, vì thế một sự chậm trễ của người thầy thuốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng người bệnh. Chính vì thế, tôi luôn lấy lời thề Hyppocrates làm kim chỉ nam cho công việc của mình. Nghề nữ hộ sinh vất vả và chịu nhiều áp lực nhưng bù lại chúng tôi được hưởng niềm hạnh phúc khi một đứa trẻ ra đời khỏe mạnh. Từ khi vào nghề đến nay, may mắn là các ca đỡ đẻ của tôi đều thành công” - chị Tốt tâm sự.


Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, chị còn phối hợp với lãnh đạo Khoa thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch về công tác quản lý, điều hành, chăm sóc người bệnh; thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp trẻ. Cùng với việc tự nâng cao kiến thức, chị còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao như: Hiệu quả của việc uống nước trong điều trị thiểu ối ở thai trưởng thành; đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và các yếu tố tác động lên chỉ định mổ lấy thai; đánh giá tình trạng mất máu sau sinh có xử trí tích cực giai đoạn ba...


Với những nỗ lực trên, nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Tốt nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được Bộ Y tế tặng bằng khen. Tháng 2-2014, chị vinh dự được nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.


THẢO LY