Ngay khi nghe thông tin tại Khánh Hòa có người tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 và các loại dịch bệnh như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella... có nhiều khả năng đang quay trở lại, nhiều người đã đi tiêm ngừa dịch vụ các loại vắc xin này.
Ngay khi nghe thông tin tại Khánh Hòa có người tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 và các loại dịch bệnh như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella... có nhiều khả năng đang quay trở lại, nhiều người đã đi tiêm ngừa dịch vụ các loại vắc xin này.
Nhiều loại vắc xin hết hàng
Những ngày này, tại Trung tâm Sinh học lâm sàng Viện Pasteur Nha Trang, khá nhiều phụ huynh dẫn con đến tiêm phòng vắc xin, trong đó chiếm hơn 1/2 là tiêm vắc xin ngừa cúm.
Chị Hồ Thị Ngọc Linh (Vĩnh Thái, Nha Trang) đưa con 15 tuổi đi tiêm ngừa cho biết: “Tôi đến lúc 7 giờ nhưng số thứ tự đã là 57. Biết đông, nhưng tôi cũng ráng chờ để tiêm ngừa vắc xin cúm cho cháu. Nghe thông tin Khánh Hòa có người tử vong vì cúm A/H1N1, trong nước thì có người tử vong do cúm A/H5N1 nên tôi dẫn cháu đi tiêm cho an toàn”. Tương tự, cháu Nguyễn Hoài Linh (3 tuổi, Diên An, Diên Khánh) cũng được mẹ và bà ngoại đưa tới Trung tâm để tiêm ngừa cúm. Theo chị Võ Hoài Mỹ - mẹ bé Linh: “Từ đầu năm đến nay, thời tiết thay đổi thất thường, thấy nhiều người trong xóm bị hắt hơi, sổ mũi, sốt nên vợ chồng tôi sợ cháu bị lây. Cúm thông thường không sao, lỡ lây trúng người bị nhiễm cúm A/H1N1 thì nguy hiểm cho cháu. Vì thế, tôi đưa cháu đi tiêm cho an tâm”.
Tiêm ngừa cúm A tại Trung tâm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur Nha Trang. |
Theo số liệu của Trung tâm Sinh học lâm sàng, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 40 - 50 người đến tiêm chủng vắc xin cúm mùa, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm trước đó. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại phòng tiêm chủng Safpo thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang. Bác sĩ Lê Viết Lô - phụ trách công tác tư vấn tại đây cho biết: “Những ngày này, số lượng người đến tiêm ngừa cúm đã giảm, không còn đông như trước, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 người đến tiêm ngừa vắc xin này. Cao điểm nhất là tuần thứ 3 của tháng 2 với lượng người đến tiêm luôn trên 50 người, có hôm có đến 81 người”.
Cùng với việc đua nhau đi tiêm ngừa cúm, lo ngại khi thấy một số tỉnh, thành trong nước các dịch bệnh như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella… bùng phát trở lại nên nhiều người cũng dẫn con đi tiêm ngừa các loại vắc xin này. Bên cạnh đó, giữa tháng 1, Sở Y tế đã cho ngưng tiêm vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) và cũng vì lo sợ những biến chứng sau tiêm của loại vắc xin này, nên số người dẫn con đi tiêm ngừa dịch vụ vắc xin 6 trong 1 của Bỉ và 5 trong 1 của Pháp khá đông, khiến cho một số loại vắc xin bị “cháy hàng”. Theo Trung tâm Sinh học lâm sàng, khoảng tháng 6 các loại vắc xin này mới có trở lại, riêng vắc xin thủy đậu khoảng tháng 4 mới có. Những loại vắc xin khác vẫn cung ứng đầy đủ.
Có phòng được tất cả các loại cúm?
Một câu hỏi đặt ra là vắc xin phòng ngừa cúm đang được tiêm ở các điểm tiêm dịch vụ hiện nay có ngừa được tất cả các loại vi rút cúm, kể cả cúm do vi rút H5N1 gây ra (gây tử vong cao ở người nếu mắc phải, chiếm khoảng 25%) hay không.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, các loại vắc xin phòng ngừa cúm năm nay (vi rút cúm thường xuyên biến chủng nên phải tiêm nhắc lại hàng năm) có tác dụng ngừa được hai type cúm A là H3N2, H1N1 và một type cúm B. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng ngừa cúm A/H5N1. Tuy nhiên, vi rút cúm A/H3N2 và A/H1N1 mới gây tỉ lệ mắc cao và các chuyên gia thế giới đã khuyến cáo nên dự phòng bệnh cúm bằng vắc xin hiện có. Tuy loại vắc xin này không có tác dụng phòng cúm A/H5N1 nhưng có thể đề phòng việc tái tổ hợp các loại vi rút cúm xảy ra ở cơ thể người.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh cúm có thể lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí, hạt nước bọt li ti hoặc tiếp xúc trực tiếp. Tần suất mắc bệnh hàng năm là 5 - 15% ở người lớn và 15 - 42% ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 4 tuổi. Bệnh cúm là căn bệnh thông thường ở Việt Nam nhưng người bị cúm có thể biến chứng sang viêm phổi; với người bệnh viêm phế quản, hen thì triệu chứng càng nặng thêm. Vì thế, để phòng ngừa căn bệnh này, người dân nên thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng giấy và bỏ ngay vào thùng rác, rửa tay ngay sau đó; vệ sinh trường lớp, nhà ở, mở cửa sổ làm thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; tránh tiếp xúc với người nhiễm cúm. Giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh và phải mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần hơn.
THẢO LY
Tiến sĩ Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, đây là thời điểm dịch cúm phát triển mạnh và kéo dài đến tháng 5, 6 mới kết thúc. Tại khu vực miền Trung thường lưu hành 3 chủng cúm là: A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Trong đó, chủng cúm A/H1N1 (gây đại dịch năm 2009) trong 3 năm trở lại đây đã được xem là cúm mùa. Những bệnh nhân bị nặng, có thể dẫn đến tử vong khi nhiễm cúm A/H1N1 thường là những người có cơ địa đặc biệt như: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi, người mắc bệnh mãn tính… Trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 tại Khánh Hòa đầu năm nay là do bệnh nhân có mắc thêm bệnh suy tuyến giáp. Tương tự trong đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, các trường hợp tử vong tại Khánh Hòa đều có các bệnh lý kèm theo, hoặc rơi vào những cơ địa như trên.