Năm qua, công tác chống lao ở tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên hiện nay, công tác này vẫn còn gặp khó khăn do thiếu bác sĩ và kinh phí; nguồn viện trợ thuốc lao bị cắt giảm mạnh, bệnh nhân lao kháng thuốc có chiều hướng tăng...
Năm qua, công tác chống lao ở tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên hiện nay, công tác này vẫn còn gặp khó khăn do thiếu bác sĩ và kinh phí; nguồn viện trợ thuốc lao bị cắt giảm mạnh, bệnh nhân (BN) lao kháng thuốc có chiều hướng tăng...
Áp dụng nhiều kỹ thuật mới
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi cho biết, năm qua, mạng lưới chống lao tiếp tục được triển khai đến 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Ngoài ra, BV đã áp dụng thành công các kỹ thuật cao và chuyên sâu trong phát hiện và điều trị bệnh lao như: Nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao bằng môi trường lỏng - MGIT, phương pháp này cho kết quả nhanh từ 4 đến 14 ngày (kỹ thuật cũ phải mất từ 6 đến 8 tuần); nội soi phế quản ống mềm. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Y tế, cơ sở vật chất của BV được hoàn thiện, đã xây dựng khu cách ly điều trị lao đa kháng thuốc, BN được cấp miễn phí hoàn toàn thuốc điều trị lao đa kháng,... Nhờ đó, số lượng BN đến khám, được điều trị khỏi tăng cao.
Bệnh nhân lao đang được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi. |
Năm 2013, toàn tỉnh đã thực hiện khám cho gần 73.800 người, phát hiện 1.436 người mắc mới bệnh lao (giảm 2,4% so với năm 2012), điều trị khỏi cho hơn 1.336 BN lao (đạt hơn 110% kế hoạch), quản lý và điều trị 2.411 người (tăng 2,6%). Từ đầu năm đến nay, có khoảng 18.600 lượt người được khám, qua đó phát hiện 370 BN mới mắc bệnh lao, điều trị khỏi cho 372 người. BV đang quản lý điều trị cho 2.409 BN.
Nhiều thách thức
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh nhiễm trùng. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 12 trong số 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt là có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. |
Hiện nay, công tác chống lao trên cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí bị cắt giảm mạnh. Năm 2014, ngân sách cấp cho hoạt động phòng, chống lao giảm chỉ còn 30% so với năm 2013. Kinh phí này chỉ đủ thực hiện chương trình quản lý, điều trị và phòng, chống lao cho quý I. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác điều trị mà còn khiến công tác phát hiện sớm BN lao trong cộng đồng trở nên khó khăn. Trong khi đó, nguồn viện trợ thuốc lao cho BN cũng bị cắt giảm dần.
Số lượng BN lao kháng thuốc ngày càng tăng (với những BN này, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh chiếm từ 50-70%, thời gian điều trị kéo dài, thuốc kháng lao có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả điều trị) cũng là một trong những thách thức đối với công tác chống lao ở tỉnh. Mặt khác, người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc chống lao để chữa bệnh; do vậy, tỷ lệ BN lao kháng thuốc càng cao vì điều trị không đúng phác đồ. Số BN này nằm rải rác trong cộng đồng, chưa được cách ly nên trở thành nguồn lây lan lớn, khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc thiếu bác sĩ cũng là nguyên nhân làm cho công tác chống lao gặp khó khăn. Bác sĩ Phương nói: “Hiện nay, số bác sĩ của BV là 8 người, kể cả Ban Giám đốc. Do thiếu nhân lực nên chúng tôi vừa làm công tác chuyên môn vừa phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng chuyên môn”. Ngoài ra, do thiết kế Khoa Cấp cứu chưa phù hợp với chức năng nên BV cũng gặp khó khăn trong công tác hồi sức cấp cứu cho BN.
BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động theo chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm 2014: “Tăng cường phát hiện bệnh để loại trừ bệnh lao nhanh hơn”. Theo đó, từ đây đến cuối năm, BV sẽ phối hợp với các BV trung ương tiếp nhận những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong điều trị như: soi kính hiển vi bằng phương pháp huỳnh quang đèn led, siêu âm tổng quát, phá vách trong tràn dịch màng phổi; phẫu thuật đặt ống ngực... Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cho BN uống thuốc hàng ngày tại trạm y tế có sự giám sát của nhân viên y tế; thực hiện việc đánh giá chất lượng của chương trình theo quý, qua đó có biện pháp khắc phục kịp thời những nhược điểm; xây dựng bổ sung quy trình quản lý và điều trị BN lao trong phạm vi chương trình chống lao quốc gia; đảm bảo đạt tỷ lệ cao trong điều trị khỏi bệnh, điều trị tốt cho BN lao kháng thuốc và đa kháng thuốc tại tỉnh...
Được biết, BV đang trình Sở Y tế và UBND tỉnh phê duyệt cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống lao cả năm; làm đề án để nâng từ BV hạng 3 lên hạng 2. Từ đó, sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi người bệnh, giảm thiểu tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên.
THẢO LY