12:03, 11/03/2014

Bệnh quai bị: Dễ biến chứng nặng

Quai bị, thủy đậu, sởi là những bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp và hiện đang gây dịch ở một số tỉnh, thành. Tuy số ca mắc bệnh quai bị tại Khánh Hòa không nhiều nhưng người dân cũng không nên chủ quan.

Quai bị, thủy đậu, sởi là những bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp và hiện đang gây dịch ở một số tỉnh, thành. Tuy số ca mắc bệnh quai bị tại Khánh Hòa không nhiều nhưng người dân cũng không nên chủ quan.


Sau 2 ngày được điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, sức khỏe bệnh nhân L.Đ.N (25 tuổi, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa). Bà L.T.T - mẹ của bệnh nhân cho biết: “Tuần trước, tưởng cháu bị cảm nên gia đình mua thuốc về uống và truyền dịch cho cháu. Uống 3 ngày thấy không đỡ, gia đình cho cháu vào BVĐK khu vực Ninh Hòa, sau đó được chuyển về đây điều trị. Lúc mới vào, vùng má và tinh hoàn của cháu sưng to, rất đau nhức, bây giờ đã đỡ nhiều. Bác sĩ nói cháu bị mắc bệnh quai bị biến chứng viêm tinh hoàn. Hy vọng là cháu sẽ không bị vô sinh”. Tuy không bị biến chứng nhưng cháu N.T.A (5 tuổi, phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) nhập viện trong tình trạng sốt cao, 2 vùng mang tai sưng to, đau nhức toàn thân. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh quai bị và được điều trị theo phác đồ, sức khỏe của cháu N.T.A đã ổn định và  được xuất viện.


Theo thống kê của Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh, từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh quai bị điều trị tại khoa khoảng 10 ca, trong đó có vài ca bị biến chứng nặng và hầu hết đều là người lớn. Bác sĩ Phan Thế Long - Phó Trưởng khoa Nhiễm BVĐK tỉnh cho biết, quai bị là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải. Bệnh lây qua đường hô hấp, ăn uống và qua nước bọt khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi nên dễ phát thành dịch ở những nơi đông người như: trường học, khu tập thể... “Tuy quai bị là loại bệnh nhẹ, nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não và màng não, nguy cơ viêm, sưng tinh hoàn (có thể gây vô sinh) khá cao (chiếm khoảng 20 - 30%). Ngoài ra, nó có thể gây biến chứng nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy, tổn thương thần kinh. Đặc biệt, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, nếu mắc phải có thể sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu. Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em” - bác sĩ Long cảnh báo.

 

Bệnh nhân mắc bệnh quai bị đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân mắc bệnh quai bị đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Khi bị nhiễm virus quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1, 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39 - 400C) trong 3, 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm vi rút quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.


Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh, phương pháp tiêm vắc xin là cách phòng, chống tốt nhất. Hơn 95% những người đã tiêm chủng được miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời. Từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ, ăn thức ăn mềm, dễ nuốt. Người bệnh cần vệ sinh răng miệng thường xuyên, cách ly khoảng 2 tuần kể từ khi có triệu chứng sưng ở mang tai. Trẻ em bị bệnh không nên đến trường, vì sẽ là nguồn lây bệnh cho các trẻ khác. Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ. Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt. Có thể giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng Paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, chú ý mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau. Nếu đã giảm sốt mà sốt trở lại hoặc đau vùng bụng dưới, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và điều trị nhằm tránh biến chứng nặng hơn.


BÁ NGHĨA