10:02, 23/02/2014

Quyết liệt phòng, chống dịch cúm

Ngày 23-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến 64 tỉnh, thành trong cả nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người, trong đó có Khánh Hòa. Hội nghị cho thấy tình hình dịch cúm ở nước ta đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Ngày 23-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến 64 tỉnh, thành trong cả nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người, trong đó có Khánh Hòa. Hội nghị cho thấy tình hình dịch cúm ở nước ta đang diễn ra vô cùng phức tạp.

 

h1n1.jpg
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã thành lập khu vực cách ly để điều trị các bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1.


Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9


Theo Bộ Y tế, từ tháng 4 năm 2013 đến nay, tại Trung Quốc ghi nhận 360 ca mắc cúm A/H7N9, đã có 67 ca đã tử vong. Tỷ lệ tử vong là 18,6%, số mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm chiếm 53%. Trong đó, tỉnh Quảng Tây có chung biên giới với Việt Nam đã có 3 trường hợp mắc.


Tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm trên 5.700 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng và 20.000 mẫu gia cầm, môi trường tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đều cho ra kết quả âm tính. Qua đó, có thể khẳng định đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người và trên gia cầm ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FOA) Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam không được chủ quan với công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9.


Về cúm A/H5N1, đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận 64 ổ dịch tại 16 tỉnh thành, trong đó có Khánh Hòa. Kết quả giám sát cho thấy nhánh mới vi rút cúm A/H5N1 trước đây lưu hành chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên hiện nay đã xâm nhập và gây ra ổ dịch tại Nam Bộ. Kết quả xét nghiệm ở 147 chợ bán gia cầm của 44 tỉnh thành thì gần 6% mẫu vịt dương tính với cúm A/H5N1 và trên 61% các chợ có vi rút cúm A/H5N1. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hiện dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang xảy ra ở 16 tỉnh thành đã công bố dịch vẫn chưa có xu hướng dừng lại, diễn biến vẫn còn phức tạp. Công tác giám sát chủ động cho thấy vẫn ghi nhận vi rút trên các đàn thủy cầm nhưng không có biểu hiện bệnh, do đó gây khó khăn cho việc phát hiện sớm, xử lý ổ dịch. Ngoài ra, người dân vẫn còn chủ quan vẫn sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, không rõ nguồn gốc. Việt Nam có chung biên giới với Campuchia, nơi có số ca mắc và tử vong do cúm A/H5N1 cao nhất thế giới trong năm 2013.


Khánh Hòa: bệnh cúm A/H1N1 đã xuất hiện trở lại


Tại Khánh Hòa, bệnh cúm A/H1N1 (chủng đại dịch 2009) đã xuất hiện trở lại. Đã có 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Cúm A/H1N1 xuất hiện tại Nha Trang, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa. Nguồn lây nhiễm đến nay vẫn chưa được xác định, do đó, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H1N1 (lây từ người sang người) trên địa bàn tỉnh là không nhỏ.


Về dịch cúm A/H5N1 đã bùng phát tại một số địa phương, trong đó thị xã Ninh Hòa công bố dịch cúm gia cầm H5N1 vào giữa tháng 2-2014 và đã tiến hành tiêu hủy hàng chục ngàn con gia cầm. Nguy cơ lây lan cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người ở Khánh Hòa là rất cao nếu không có các biện pháp phòng, chống quyết liệt.


Chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm A


Cùng với Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản, công văn chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh các cấp; củng cố đội cơ động phòng, chống dịch; chủ động giám sát, phát hiện gia cầm mắc bệnh, người mắc bệnh; tiêu hủy gia cầm bị nhiễm vi rút H5N1. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch, điều trị dự phòng cho người tiếp xúc… Ngành y tế còn thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9, tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa Y tế, Nông nghiệp Nông thôn và Công thương.


Bác sĩ Bùi Xuân Minh cho biết, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, kết quả giám sát của Viện Pasteur Nha Trang vừa qua về công tác phòng, chống dịch cúm A ở một số đơn vị của ngành (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, xã Vĩnh Thạnh, Phước Long (Nha Trang nơi có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1)) cho thấy công tác chuẩn bị đối phó với dịch cúm A của ngành y tế là kịp thời, hiệu quả. Đối với những bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 hiện được cách ly điều trị và sử dụng thuốc Tamiflu theo phác đồ của Bộ Y tế. Qua thời gian điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đã có tiến triển tốt, có bệnh nhân đã được điều trị khỏi và đã xuất viện. Ngành Y tế cũng đã chủ động tiến hành xử lý ổ dịch tại gia đình các bệnh nhân, lập danh sách theo dõi người tiếp xúc…


Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; các Bộ như Y tế, Công thương, Nông nghiệp Nông thôn phải phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện công tác tuyên truyền một cách công khai, rộng rãi, đầy đủ, kịp thời, chính xác để người dân biết và cùng tham gia phòng, chống; khi lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phải cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, không hô hào khẩu hiệu; các địa phương phải tự cân đối kinh phí, nếu thiếu Trung ương sẵn sàng hỗ trợ; ngành Y tế phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác điều trị…


BÁ NGHĨA