11:02, 28/02/2014

Ăn sứa mùa xuân dễ nhiễm độc tố

Mùa sinh sản của sứa kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hè. Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng sứa biển trong mùa sinh sản làm thức ăn vì vào mùa sinh sản, sứa biển tích lũy nhiều độc tố hơn bình thường...

Mùa sinh sản của sứa kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến hè. Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng sứa biển trong mùa sinh sản làm thức ăn vì vào mùa sinh sản, sứa biển tích lũy nhiều độc tố hơn bình thường. Cục cũng khuyến cáo tuyệt đối không cho trẻ em ăn sứa biển và ốc ruốc để phòng ngừa tiêu chảy.

 

Món nộm sứa được nhiều người yêu thích. Ảnh: wikipedia.org
Món nộm sứa được nhiều người yêu thích. Ảnh: wikipedia.org

 

Sứa biển là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống vốn chứa nhiều độc tố, dễ khiến người chạm phải bị dị ứng. Độc tố của sứa biển khi xâm nhập vào cơ thể người có thể gây đau đầu, tức ngực... Nếu trong 15 phút sau khi chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân, trên da nổi ban đỏ từng vùng, nổi mày đay toàn thân, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, chảy nước mắt, chảy nước mũi, vã mồ hôi hay hôn mê khó thở, cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.
 
 
Nếu nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều thì mới bị nhiễm độc nhẹ và không nên quá lo lắng.
 
 
Hiện nay, sứa vẫn được nhiều người chế biến thành các món gỏi, nộm, lẩu, canh, bún. Để đảm bảo an toàn, sứa phải được ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem chế biến làm thức ăn.
 
 
Vì vậy cục An toàn vệ sinh lưu ý người dân, trong quá trình chế biến cần ngâm với nước sạch nhiều lần và loại bỏ hết tạp chất để tránh gây ngộ độc.
 
 
Theo hanoimoi