Tập luyện thể dục thể thao mang lại những lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường. Lối sống tĩnh tại là một yếu tố nguy cơ của bệnh Đái tháo đường typ 2 cũng như các biến chứng của bệnh.
Tập luyện thể dục thể thao mang lại những lợi ích về sức khỏe, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Lối sống tĩnh tại là một yếu tố nguy cơ của bệnh ĐTĐ typ 2 cũng như các biến chứng của bệnh.
Tập luyện cũng làm gia tăng nồng độ HDL (loại cholesterol tốt), gia tăng sự tiêu hao năng lượng, giúp giảm trọng lượng cơ thể ở bệnh nhân béo phì. Nguy cơ biến chứng tim mạch ở những bệnh nhân này rất cao nhưng luyện tập thể thao có thể hạn chế tốt những biến chứng này, cải thiện chức năng tim mạch của người bệnh. Nhiều lợi ích quan trọng được mang lại nếu người bệnh tập luyện đúng cách: Giảm đường huyết, giảm mỡ máu, mỡ nội tạng, giảm huyết áp, giảm cân, tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, giảm kháng insulin, tăng hiệu quả điều trị.
Tập luyện còn giúp cơ thể tăng sức mạnh, độ dẻo dai của cơ bắp, độ linh hoạt cơ thể, duy trì sự dẻo dai của cơ xương khớp, đồng thời giúp tăng sự hưng phấn, giảm được áp lực bệnh tật và công việc, hạn chế tình trạng stress. Do đó giúp cải thiện và duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ.
Những vận động nào phù hợp với người bệnh tiểu đường?
Người bệnh ĐTĐ nên chọn chủ yếu bài tập luyện dẻo dai đều đặn 30 - 45 phút mỗi ngày, từ 3 - 5 ngày mỗi tuần hoặc 150 phút/tuần đạt đủ cường độ, thời gian nhằm làm tăng nhịp tim và tần số hô hấp. Tập luyện dẻo dai gồm đi bộ nhanh, khiêu vũ, đi xe đạp, chạy bộ, đi cầu thang, bơi, tập dưới nước… Hoặc tập luyện đối kháng là các hoạt động “kéo, đẩy, nâng”, tăng sức mạnh của cơ, ngăn ngừa té ngã, tăng khả năng di chuyển, đi lại, cải thiện đường huyết.
Luyện Yoga cũng rất tốt cho người bệnh ĐTĐ. Những người mới mắc bệnh hay bệnh được kiểm soát tốt cũng không nên tham gia những môn thể thao đòi hỏi nhiều sức như đá bóng, chạy việt dã, tập tạ… Nếu không có chống chỉ định đặc biệt, bài tập phù hợp nhất cho người ĐTĐ là đi bộ hàng ngày, vào buổi sáng và chiều mát, mỗi lần đi khoảng 30 phút. Nên thực hiện thành nhóm với bạn bè, người thân.
Nguy cơ tập luyện đối với người bệnh đái tháo đường
Những nguy cơ xảy ra là do người bệnh tập luyện quá mức, trong số đó có người còn dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hay ăn uống kiêng khem quá mức, dẫn đến cơ thể bị mất sức khi tập luyện. Một số người lại vận dụng một cách quá máy móc các bài tập, không kể lúc khỏe, lúc mệt. Hàng ngày, nên đo đường huyết để có sự điều trị và tập luyện phù hợp. Lưu ý, tập thể dục đều đặn còn có tác dụng cao hơn đối với người có chế độ ăn với lượng calo vừa phải, nhưng sẽ ít hoặc không có tác dụng nếu bệnh nhân áp dụng chế độ ăn kiêng với lượng calo thấp (khoảng 600 - 800kcal/ngày). Bên cạnh tập luyện, người bệnh phải có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tập luyện với cường độ cao làm gia tăng nguy cơ tim mạch và chấn thương, nhất là ở bệnh nhân cao tuổi, bị các biến chứng nặng của ĐTĐ. Các nguy cơ có thể xảy ra trong tập luyện bao gồm: Rối loạn nhịp tim thậm chí là nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim; tăng, giảm huyết áp đột ngột; xuất huyết, bong võng mạc ở những người đã có biến chứng đáy mắt giai đoạn 3. Sự tiêu hao năng lượng trong luyện tập làm mất thêm chất đạm qua nước tiểu và làm trầm trọng bệnh lý thận do ĐTĐ gây ra, tăng bài tiết protein trong nước tiểu; hạ đường máu, đặc biệt bệnh nhân đang dùng thuốc kích thích tiết insilin hay đang tiêm Insulin; tăng áp lực đưa đến tăng tổn thương bàn chân. Đối với những người bị thoái hóa khớp, việc tập luyện quá mức có thể làm tổn thương khớp.
Người bệnh cần đến khám và tư vấn thầy thuốc chuyên khoa đánh giá tình trạng bệnh, biến chứng, từ đó có bài tập, kế hoạch tập luyện phù hợp nhằm tránh tình trạng làm nặng thêm các biến chứng.
Những điều lưu ý trong quá trình tập
Kiểm tra đường huyết trước và sau khi vận động: nếu đường huyết trên 250mg/dL thì không nên tập; nếu đường huyết dưới 110 mg/dL thì ăn 15g carbohydrat (các chất bột, đường). Nên mang sẵn bánh, kẹo, nước đường bên mình. Cảnh giác khi có biểu hiện như: Đói, run tay chân, vã mồ hôi, thậm chí hôn mê; cần điều chỉnh liều insulin nếu tập luyện trong ĐTĐ typ 1; cần bổ sung đủ glucid nước tùy thời gian và cường độ tập luyện, 15 - 30g gluxid cho 30 - 45 phút tập luyện.
Trong khi tập luyện, nếu thấy dấu hiệu chóng mặt hoa mắt hoặc tức, mệt ngực cần ngừng tập ngay lập tức, khám thêm chuyên khoa tim mạch, đặc biệt đối với người già, người có các bệnh mạn tính đi kèm khác.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Hoàng Anh