09:11, 21/11/2013

Kiểm tra đến đâu, vi phạm đến đó

Làm nhiều dịch vụ và quảng cáo vượt quá nội dung đăng ký kinh doanh; sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm làm đẹp không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng… là những vi phạm mà đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa phát hiện khi kiểm tra các cơ sở Spa, thẩm mỹ viện trên địa bàn TP. Nha Trang.

Làm nhiều dịch vụ và quảng cáo vượt quá nội dung đăng ký kinh doanh (ĐKKD); sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm làm đẹp không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng… là những vi phạm mà đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa phát hiện khi kiểm tra các cơ sở Spa, thẩm mỹ viện (TMV) trên địa bàn TP. Nha Trang.

 

1922
Cơ sở Ngọc Hường quảng cáo vượt quá nội dung đăng ký kinh doanh.


 

Quảng cáo vượt quá nội dung đăng ký kinh doanh

 

Trong 10 ngày ra quân, kiểm tra đột xuất 15 cơ sở, đoàn kiểm tra đã phát hiện cả 15 cơ sở này đều có vi phạm, trong đó lỗi vi phạm nhiều nhất là quảng cáo vượt quá nội dung ĐKKD. Tại Cơ sở TMV Ngọc Dung (đường Quang Trung), trong giấy phép ĐKKD chỉ có tư vấn làm đẹp, dịch vụ trang điểm, nhưng ở bên ngoài và bên trong cơ sở treo đầy bảng quảng cáo các dịch vụ không có trong giấy phép ĐKKD như: Đặt ngực nội soi, điều trị da chuyên sâu, hút mỡ laser, điều trị tăng sắc tố, sẹo rỗ, lỗ chân lông to, xăm môi, mí mắt... Khi được hỏi, quản lý của TMV này cho biết, cơ sở chỉ làm công tác tư vấn chứ không thực hiện phẫu thuật, nếu khách hàng muốn làm các dịch vụ này thì sẽ được đưa vào TP. Hồ Chí Minh. Ngoài vi phạm trên, phòng xông hơi của TMV không lắp đặt chuông như quy định, cơ sở không công khai giá dịch vụ, 3 loại mỹ phẩm đang dùng cho khách không có hóa đơn, nhãn phụ, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

 

 Kiểm tra Cơ sở Thẩm mỹ viện Ngọc Dung.
Kiểm tra Cơ sở Thẩm mỹ viện Ngọc Dung.


Tương tự, giấy phép ĐKKD của Cơ sở Ngọc Hường (đường Lê Thánh Tôn) chỉ có dịch vụ chăm sóc da nhưng bảng hiệu bên ngoài lại quảng cáo có phun, thêu, xóa, xăm mắt mày, môi. Bên trong, trên các vách tường của cơ sở đều có những bảng quảng cáo vượt quá nội dung ĐKKD như giảm béo cấp tốc, phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) toàn diện... Theo quy định, để thực hiện PTTM, người thực hiện phải có bằng bác sĩ trở lên về chuyên khoa này, cơ sở và trang thiết bị phải đủ các điều kiện mới được cấp phép hoạt động. Thế nhưng khi kiểm tra, cơ sở chỉ có 7 giường dùng để chăm sóc da cho khách hàng, không có phòng và trang thiết bị để phẫu thuật, nhân viên không có bằng cấp về chăm sóc da, massage, không có bác sĩ chuyên khoa về PTTM. Nhân viên ở đây cho biết, các dịch vụ có liên quan đến phẫu thuật cơ sở chỉ tư vấn và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh nếu khách hàng có nhu cầu. Ngoài vi phạm về quảng cáo, cơ sở này còn làm các dịch vụ quá nội dung đăng ký như xăm và xóa xăm, massage...; mỹ phẩm dùng để sử dụng cho khách cũng không có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm.


Chưa có văn bản quy định cụ thể


Ngoài 2 cơ sở trên, các cơ sở còn lại đều vi phạm tương tự như quảng cáo quá nội dung ĐKKD trên bảng hiệu, tờ rơi; một số cơ sở không niêm yết giá; các sản phẩm sử dụng cho khách hàng không có hóa đơn, chứng từ; thuốc quá hạn sử dụng, các phòng xông hơi thực hiện không đúng theo quy định... Bên cạnh đó, các cơ sở đăng ký nội dung kinh doanh là chăm sóc da nhưng khi tiến hành kiểm tra, cơ sở nào cũng kiêm thêm dịch vụ massage, xông hơi, nhiều nhân viên không có chứng chỉ hành nghề chăm sóc da. Lý giải về những vi phạm này, các chủ cơ sở đều cho rằng không biết như thế là vi phạm. Theo họ, những kỹ thuật massage mà cơ sở thực hiện là những kỹ thuật đơn giản, không day ấn huyệt và chỉ chiếm một phần trong các công đoạn massage chuyên nghiệp.

 

0450
Kiểm tra mỹ phẩm sử dụng làm đẹp cho khách ở cơ sở Lotus Beauty & Spa.

 

Bà Lê Thị Bích Huyền - thành viên Cơ sở Lovely Spa (đường Hoàng Văn Thụ) cho biết: “Khi đăng ký nội dung kinh doanh, chúng tôi cũng trình bày loại hình dịch vụ là chăm sóc da vừa có thêm một phần dịch vụ massage. Nhưng do loại hình này chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể nên sau khi đăng ký, chúng tôi về triển khai làm theo cách hiểu của mình, đâu biết như thế là vi phạm”. Bà Lê Thị Kim Thanh - chủ Cơ sở Yến Yến Spa (đường Trần Quang Khải) nói: “Hiện nay ở Khánh Hòa chưa có cơ sở dạy và cấp chứng chỉ hành nghề chăm sóc da nên chúng tôi muốn đưa nhân viên đi học cũng không biết học ở đâu. Gần chục năm nay, chúng tôi làm theo kiểu nghề học nghề, giờ mới biết như thế là vi phạm”.

 


Ông Lê Văn Thành - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: “Đây là đợt kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở làm đẹp, PTTM. Qua kiểm tra 15 cơ sở, có 2 cơ sở PTTM chấp hành tốt quy chế chuyên môn, làm đúng phạm vi cho phép. Vi phạm nổi cộm ở các cơ sở là quảng cáo quá nội dung ĐKKD, sử dụng mỹ phẩm, dược phẩm không có công nhận của Bộ Y tế. Bất cập trong công tác quản lý hiện nay là chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về loại hình dịch vụ spa có tổ chức massage. Những dịch vụ làm đẹp này lại không thuộc sự quản lý của ngành Y tế.  Chính vì thế, các cơ sở đã làm theo cách hiểu của mình nên vô tình vi phạm. Vấn đề này, Sở Y tế sẽ có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn để các cơ sở thực hiện đúng quy định. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở hoạt động tốt hơn”.


THẢO LY