05:10, 15/10/2013

Người dân vẫn chủ quan

Từ đầu năm đến nay, thị xã Ninh Hòa luôn là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao trong tỉnh. Mặc dù Thị ủy, UBND thị xã đã có nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhưng do người dân chủ quan nên tình hình dịch sốt xuất huyết ở địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, thị xã Ninh Hòa luôn là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) cao trong tỉnh. Mặc dù Thị ủy, UBND thị xã đã có nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch SXH, nhưng do người dân chủ quan nên tình hình dịch SXH ở địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.


Kiểm tra ở đâu, có lăng quăng ở đó


Mới đây, trong đợt kiểm tra ngẫu nhiên tại 2 xã Ninh Quang và Ninh Phú về công tác phòng, chống dịch bệnh, đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện trong 60 hộ được kiểm tra có hơn 50% số nhà có bọ gậy, muỗi; mật độ muỗi/nhà đều cao gấp 2 lần so với quy định; các dụng cụ chứa nước có bọ gậy phần lớn là bình hoa, xô, phuy chứa nước, máng uống nước của gia cầm, lốp xe...

 

1
Kiểm tra nước chứa trong bình hoa ở một gia đình tại xã Ninh Quang.


Tại hộ bà Đoàn Thị Yến (thôn Phước Lộc, xã Ninh Quang), đoàn kiểm tra phát hiện trong 2 xô chứa nước và 2 ly đọng nước mưa có rất nhiều bọ gậy. Bà Yến cho biết, do mấy hôm nay mưa, bận buôn bán nên bà chưa súc rửa kịp; bà không nghĩ mới có mấy hôm mà bọ gậy đã sinh ra nhiều đến thế. Tương tự, tại hộ bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Phước Lộc), khi đổ nước ở 2 bình hoa trên bàn thờ ra thau, đoàn phát hiện có hàng chục con bọ gậy. Tại hộ gia đình ông Nguyễn Ân (thôn Hội Phú Nam, xã Ninh Phú), 5 vại chứa nước đều có lăng quăng. Hay 3 lốp xe cũ để ngoài sân ở nhà ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Hội Phú Nam), đoàn kiểm tra phát hiện có hàng trăm con bọ gậy, có nhiều con sắp nở thành ấu trùng.


Qua kiểm tra, nhiều hộ đều đưa ra lý do bận đi làm nên không có thời gian súc rửa các vật dụng. Có người còn cho rằng, không ngờ nước chứa ở các bình bông, thạp đựng nước mới có nửa tháng mà đã sinh ra muỗi; việc diệt bọ gậy là việc của ngành Y tế... Bà Đinh Thị Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên kiến thức của người dân về phòng, chống SXH có tăng, nhưng do ỷ lại nên người dân vẫn chưa tích cực thực hiện.

 

1
 


Cần sự vào cuộc quyết liệt


Theo Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn thị xã có hơn 1.300 ca mắc SXH (tăng gấp 1,31 lần so với cùng kỳ năm 2012), tỷ lệ mắc 544/100.000 dân, số ca mắc phân bố khắp 27/27 xã, phường, đã hình thành 58 ổ dịch và có 1 ca tử vong. Thị xã đã thực hiện 2 chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động 4 đợt và kết hợp với xử lý ổ dịch. Nhờ thế, đến nay, tình hình dịch SXH có chiều hướng giảm, tuy nhiên không bền vững.

 

Ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, công tác phòng, chống dịch SXH nói riêng và phòng bệnh dịch ở người trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có sự quan tâm rất tích cực của lãnh đạo thị xã. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể trong việc huy động cộng đồng tham gia. Trong các chiến dịch, địa phương thường sử dụng lực lượng cộng tác viên y tế thôn bản làm công tác diệt bọ gậy, việc này vô hình trung tạo thói quen ỷ lại trong người dân...

Ông Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã cho biết, tuy ngành Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống SXH như: Giám sát, xử lý ổ dịch, chủ động phun hóa chất, truyền thông... nhưng số ca mắc SXH giảm không nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân chưa tích cực tham gia phòng, chống SXH. Cách phòng, chống dịch SXH hiệu quả nhất là thực hiện diệt bọ gậy tại nhà, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thờ ơ và hầu hết đều ỷ lại ngành Y tế. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch SXH ở một số xã, phường chưa được quan tâm đúng mức; kết quả xử lý bọ gậy tại các ổ dịch còn bỏ sót nhiều; công tác giám sát không tốt; kỹ năng người thực hiện chưa đạt yêu cầu, có nơi chỉ đến thống kê mà không xử lý hết dụng cụ có bọ gậy; các ban, ngành, đoàn thể chưa tích cực trong việc huy động cộng đồng tham gia... Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng xen kẽ với mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes aegypti truyền bệnh SXH phát triển. Địa bàn rộng, dân số đông cùng với việc lưu hành cả 4 type vi rút Dengue trên địa bàn là yếu tố nguy cơ làm số ca mắc SXH tăng cao.  


Thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch SXH đạt hiệu quả, thị xã Ninh Hòa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17 của Thị ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh ở người; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc phối hợp giữa ban, ngành, đoàn thể với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, tổ chức chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phương châm “3 không” (không bỏ sót hộ gia đình, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có bọ gậy, không để sót dụng cụ phế thải có chứa nước); xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình không tích cực tham gia phòng, chống dịch...


THẢO LY