07:10, 24/10/2013

Giai đoạn 2014 - 2015: Sẽ giảm tỷ lệ mù lòa

Với mục tiêu cụ thể như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các khoa, phòng khám, mổ mắt; nâng cao hoạt động chăm sóc mắt ban đầu... Đề án phòng, chống mù lòa tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 sẽ góp phần giảm tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu cụ thể như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các khoa, phòng khám, mổ mắt; nâng cao hoạt động chăm sóc mắt ban đầu... Đề án phòng, chống mù lòa tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 sẽ góp phần giảm tỷ lệ mù lòa trên địa bàn tỉnh.


Thiếu nhân lực và trang thiết bị


Tiến sĩ Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực đầu tư trang thiết bị, xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm, trạm y tế trên địa bàn tỉnh để các đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đối với hoạt động chăm sóc mắt nói chung và phòng, chống mù lòa nói riêng, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã, phường. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động này còn thiếu và yếu trên cả 2 phương diện điều trị và dự phòng.  

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phối hợp với tổ chức từ thiện của Úc khám sàng lọc mắt cho người dân.


So với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung, sự phát triển chuyên ngành nhãn khoa về mặt nhân lực, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, khám, chữa bệnh, trang thiết bị chẩn đoán bệnh về mắt và mạng lưới chăm sóc mắt ở Khánh Hòa còn rất khiêm tốn. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 14 bác sĩ (BS), 20 y sĩ chuyên khoa mắt, thiếu nhiều so với nhu cầu chăm sóc mắt của nhân dân. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có 8 BS, BVĐK khu vực Cam Ranh 2 BS, BVĐK khu vực Ninh Hòa có 1 BS. Đối với tuyến huyện, thị xã, thành phố chỉ có 3 đơn vị có BS chuyên khoa mắt gồm: Diên Khánh (1 BS), Khánh Vĩnh (1 BS), Trung tâm Y tế Nha Trang (1 BS). Hầu hết các BV tuyến huyện không có khoa mắt riêng mà hoạt động theo hình thức liên chuyên khoa. Về mặt kỹ thuật, đa số chỉ giải quyết được các bệnh lý về mắt thông thường, còn lại đều chuyển lên tuyến trên. BS Lê Phú - Trưởng khoa Mắt BVĐK tỉnh chia sẻ, hiện nay, duy nhất Khoa Mắt BVĐK tỉnh là thực hiện được phẫu thuật đục thủy tinh thể và đồng thời thực hiện 2 chức năng: Khám, chữa bệnh và chăm sóc ban đầu như: phòng, chống mù lòa, kiểm soát và quản lý các bệnh dịch về mắt... (chức năng của Trung tâm Mắt). Với nguồn nhân lực chuyên khoa như trên, việc thực hiện và hoàn thành cả 2 chức năng trên của Khoa Mắt rất khó khăn. “Nếu tính theo tỷ lệ bệnh đục thủy tinh thể trên 1.000 dân thì mỗi năm tại Khánh Hòa có khoảng 1.200 người cần được khám và điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, hàng năm, BV chỉ phẫu thuật được khoảng 900 ca, như vậy, còn khoảng 300 người bị mắc bệnh đục thủy tinh thể và hàng trăm người bị mù lòa do các nguyên nhân hoặc bệnh lý khác chưa được khám, phát hiện và điều trị” - BS Phú nói. Cũng vì thiếu nhân lực nên BV chưa triển khai được các chuyên khoa sâu về mắt như: Bán phần sau, đáy mắt, nhãn nhi, phẫu thuật lé, chụp CT đáy mắt...


Bên cạnh thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị dành cho chuyên ngành nhãn khoa cũng là thực trạng khá phổ biến ở các đơn vị y tế hiện nay. Ngoài BVĐK tỉnh được đầu tư một số trang thiết bị như: Đèn khe khám mắt, máy siêu âm, máy đo nhãn áp không tiếp xúc, kính hiển vi phẫu thuật, 2 máy phaco, dụng cụ vi phẫu cho bán phần trước mắt, các BV, phòng khám còn lại chỉ có các dụng cụ chăm sóc mắt cơ bản. Mạng lưới chăm sóc mắt, truyền thông giáo dục sức khỏe về mắt, kiểm soát và quản lý các bệnh về mắt hiện nay cũng rất yếu và nhiều nơi bị bỏ trống.


Mở ra hy vọng

 


Trước thực trạng trên, Sở Y tế đã xây dựng “Đề án phòng, chống mù lòa tại tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2014 - 2015” với mục tiêu thúc đẩy, nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc mắt, góp phần giảm tỷ lệ người dân bị mù lòa trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể của đề án: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại về nhãn khoa cho các BVĐK, BV tuyến huyện, thị và các thiết bị chăm sóc mắt thiết yếu cho các trạm y tế. Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiều hoạt động nhằm giảm tỷ lệ mù lòa cho người dân như: Thực hiện chăm sóc mắt ban đầu, phẫu thuật đục thủy tinh thể, kiểm soát các dịch bệnh về mắt, truyền thông giáo dục sức khỏe về chăm sóc mắt ban đầu...


Tiến sĩ Lê Hữu Thọ cho biết, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 3,5 tỷ đồng. Sở Y tế đang đề nghị Tổ chức The Fred Hollows Foundation tại Việt Nam tài trợ để Sở Y tế triển khai thực hiện một cách toàn diện các hoạt động của đề án. Nếu đề án được chấp thuận thì sẽ có khoảng 500 BS, kỹ thuật viên, điều dưỡng từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên khoa mắt, phẫu thuật đục thủy tinh thể, nhãn nhi, khám sàng lọc bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, chăm sóc mắt ban đầu; nhiều bệnh nhân sẽ được hỗ trợ phẫu thuật đục thủy tinh thể; 80% học sinh các trường trung học cơ sở được khám sàng lọc thị lực, tật khúc xạ...


Hy vọng, với đề án này, những năm tới, công tác điều trị và hoạt động chăm sóc mắt ban đầu cho người dân trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai thuận lợi, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

 
THẢO LY


.