04:09, 19/09/2013

Thay đổi lối sống đẩy lùi đái tháo đường

Hiện nay, bệnh đái tháo đường được xem là đại dịch của các nước đang phát triển. Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 2011, số người đái tháo đường trên thế giới là 366 triệu người và dự báo đến năm 2030 là 552 triệu người.

. Những con số báo động


Hiện nay, bệnh đái tháo đường được xem là đại dịch của các nước đang phát triển. Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, năm 2011, số người đái tháo đường trên thế giới là 366 triệu người và dự báo đến năm 2030 là 552 triệu người. Ở Việt Nam, theo công bố của Bệnh viện nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường năm 2012 là 5,7%, đây là tỷ lệ ở mức báo động. Đối với tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp glucose) tại Việt Nam cũng gia tăng rất cao từ 7,7% (2002) lên 12,8% năm 2012, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ đái tháo đường. Nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ đái tháo đường tăng từ 3,7% (2001) lên 7% (2008). Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ tiền đái tháo đường ở nhóm tuổi dưới 40 đang gia tăng khá nhanh. Tại TP. Nha Trang, một nghiên cứu của bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Châu - Trung tâm Nội tiết tỉnh Khánh Hòa năm 2010, nghiên cứu có sự tham gia của 1.500 người từ 30 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đái tháo đường là 5,9% (nữ 6,2%, nam 5%). Tỷ lệ tiền đái tháo đường là 21,7%. Một điều đáng quan tâm là tại Việt Nam, có tới 5% người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không được chẩn đoán và điều trị. Kiến thức của người dân về bệnh đái tháo đường còn hạn chế, 75% không hiểu khái niệm về bệnh đái tháo đường, các biểu hiện nguy hiểm và biến chứng của đái tháo đường. Khi phát hiện bệnh đái tháo đường ở giai đoạn muộn, lúc đó đã có biến chứng nặng nề, chi phí điều trị sẽ rất tốn kém và người bệnh có thể tử vong ở lứa tuổi 50 - 60.


Nhận biết tiền Đái tháo đường


Có 2 typ đái tháo đường. đái tháo đường typ 1 là bệnh tự miễn, cơ thể không sản sinh ra insulin do vậy tế bào không thể nạp được lượng glucose cần thiết để cung cấp nhiên liệu cho cơ thể một cách thích hợp. Đái tháo đường typ 2 phổ biến hơn và thường phát triển theo thời gian. Ở giai đoạn tiền đái tháo đường bệnh thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu và rất dễ bị bỏ qua. Nếu người bệnh sụt cân không rõ nguyên nhân, mau đói hơn bình thường, uống nước nhiều mà vẫn thấy khát, mệt mỏi thường xuyên, mắt mờ, vết thương lâu lành lúc đó bệnh đã tình trạng nặng nề. Những người có yếu tố mắc bệnh đái tháo đường là người trên 40 tuổi, có người thân ruột thịt bị đái tháo đường, người có huyết áp tăng, người có tiền sử rối loạn lipid máu, người có vòng eo lớn, béo bụng, béo phì, người ít hoạt động thể lực, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường trong thai kỳ; sinh con nặng trên 4kg.


Nên làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh Đái tháo đường


Khi thấy có những yếu tố nguy cơ, những dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường chúng ta cần đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói, làm nghiệm pháp dung nạp đường để phát hiện và can thiệp kịp thời. Cách phát hiện đái tháo đường tốt nhất là thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu.


Điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả bao gồm chế độ dinh dưỡng (tiết thực) vận động thể lực và sử dụng thuốc hạ glucose máu (bao gồm thuốc hạ gluco máu và insulin, thuốc chống oxy hóa, điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn lipid…) người bệnh đái tháo đường cần tránh lối sống tĩnh tại, nếu có hút thuốc lá cần bỏ hút thuốc lá, bỏ rượu bia.


Vận động thể lực rất có lợi cho người bệnh đái tháo đường typ 2, có tác dụng giảm trọng lượng, giảm vòng bụng, cải thiện được gluco máu trong và sau khi vận động thể lực, giảm được đề kháng insulin, giảm được xơ vữa động mạch và tác dụng có lợi cho tim mạch, giảm được nguy cơ tắc mạch nhất là bệnh mạch vành. Người mắc bệnh đái tháo đường khi tập luyện cần phải tập đều đặn, cường độ tập luyện gia tăng từ từ, thời gian tập luyện phải thích hợp từng cá nhân. Tần số tập luyện 3 - 5 ngày/tuần. Thời gian từ 30 - 60 phút/ngày. Chú ý lựa chọn giày phải thích hợp với bàn chân. Tự kiểm tra gluco máu trước và sau tập luyện.


Về tiết thực, bệnh nhân nên dùng loại đường chậm hoặc loại có sợi, mục đích làm chậm sự gia tăng đường sau ăn. Nên dùng đường không có glucide như saccharose, cyclamates, Aspartam. Bữa ăn nên ăn thêm trái cây để cung cấp vitamin, giảm các loại mỡ có nguồn gốc động vật, mỡ trong phomat, sữa, kem, thức ăn rán, khoai tây chiên, bánh ngọt… nên sử dụng dầu thực vật như olive, dầu cải, dầu đậu nành, hướng dương… Tỷ lệ đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày chiếm 15 - 20%.


Bệnh đái tháo đường hiện không chữa khỏi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh bằng cách điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.


 Bs. Tôn Thất Toàn (Trung tâm Truyền thông GDSK Khánh Hòa)