07:09, 26/09/2013

Điểm tựa cho người bệnh

Những người bị nghi nhiễm HIV/AIDS đều có tâm trạng chung là rất lo ngại. Đi khám thì sợ bị nhiễm thật,  và nếu bị nhiễm lại sợ gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh biết. Trong khi đó, việc phát hiện và điều trị cho người bị bệnh rất quan trọng nhằm khống chế căn bệnh thế kỷ. Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS như một cầu nối để giải quyết những vấn đề này…

Những người bị nghi nhiễm HIV/AIDS đều có tâm trạng chung là rất lo ngại. Đi khám thì sợ bị nhiễm thật,  và nếu bị nhiễm lại sợ gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh biết. Trong khi đó, việc phát hiện và điều trị cho người bị bệnh rất quan trọng nhằm khống chế căn bệnh thế kỷ. Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS như một cầu nối để giải quyết những vấn đề này…


Tôi đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa khi phòng khám đang tiếp nhận khách hàng đầu tiên. “Chị là tư vấn viên, hôm nay em có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe cứ tâm sự với chị, chị có thể giúp em bằng khả năng của mình. Cuộc nói chuyện hôm nay chỉ có em và chị biết, chị sẽ giữ bí mật cho em, em hãy yên tâm…”. Những lời mở đầu câu chuyện của tư vấn viên đã khiến khách hàng an tâm.


Hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, miễn phí, giấu tên với sự hỗ trợ của Dự án Life-Gap, Phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (Phòng VCT) thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa chính thức hoạt động từ tháng 4-2003. Được đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật khá đầy đủ và đồng bộ với một đội ngũ cán bộ y, bác sĩ đã qua chương trình đào tạo, tập huấn theo quy trình hướng dẫn của Dự án Life-Gap, Phòng VCT được đánh giá là một dịch vụ chất lượng cao về tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS của TP. Nha Trang.

Nhân viên Phòng VCT đang tư vấn cho khách hàng.
Nhân viên Phòng VCT đang tư vấn cho khách hàng.


Bác sĩ Huỳnh Ngọc Trãi - Trưởng phòng VCT cho biết: “Các tư vấn viên, bác sĩ ở đây luôn làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, tôn trọng khách hàng. Khách hàng có thể an tâm, tin tưởng khi đến tư vấn. Do tuân thủ nguyên tắc đảm bảo bí mật riêng tư cho khách hàng, để khách hàng tự quyết định sử dụng các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS và các dịch vụ hỗ trợ khác, hơn 8 năm qua, phòng đã đón tiếp lượng khách khá lớn. Trung bình mỗi tháng phòng đón tiếp khoảng 50 khách hàng thuộc nhiều thành phần khác nhau: Người nghiện chích ma túy, người có vợ có chồng nghiện hoặc bạn tình của những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, người bán dâm, người nhà và người trực tiếp chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS”.


Tại Phòng VCT, mỗi khách hàng có một tâm trạng cảm xúc khác nhau, cán bộ tư vấn nghe tâm sự của khách hàng, làm xét nghiệm cho họ, tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà tư vấn. Tư vấn để người có hành vi nguy cơ cao thay đổi hành vi; an ủi và hoạch định kế hoạch tương lai cho những người có kết quả HIV dương tính, tạo dựng niềm tin để họ tiếp tục cuộc sống và giới thiệu chuyển tiếp đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị đặc biệt.


Từ khi thành lập đến nay,  Phòng VCT đã phát hiện 827 trường hợp nhiễm HIV, chuyển tiếp đến dịch vụ chăm sóc và điều trị là 735 trường hợp. Các khách hàng dương tính với HIV đều được các tư vấn viên giúp hoạch định những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mình và phòng tránh lây nhiễm HIV cho gia đình và cộng đồng nên họ cũng có thái độ lạc quan hơn.


Cùng với Phòng VCT, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa còn triển khai Phòng khám ngoại trú (OPC) do Dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ. OPC là địa điểm chuyển tiếp của khách hàng khi phát hiện nhiễm HIV, giúp họ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS suốt cả cuộc đời còn lại. Ngoài nhiệm vụ chính là khám, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, hàng ngày, cán bộ Phòng OPC còn là cầu nối giúp người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ của dự án và chuyển tiếp, chuyển tuyến những trường hợp đặc biệt đến các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh, giúp họ vượt qua sự mặc cảm và nỗi đau bệnh tật để kéo dài thời gian sống và và sống có ích hơn. Từ khi triển khai đến nay, phòng đã thu hút hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, phần lớn họ là những thanh niên trong độ tuổi lao động.


Chị M. đang điều trị tại đây cho biết: “Tôi bị lây nhiễm HIV từ người chồng đã chết cách đây 10 năm. Lúc đó tôi rất suy sụp và không muốn sống nữa. Nhưng nhờ các anh/chị nhân viên tiếp cận cộng đồng giúp đỡ và giới thiệu tôi đến với Phòng VCT, rồi chuyển tiếp đến Phòng OPC, tại đây tôi được các bác sĩ tư vấn và hoạch định kế hoạch chữa trị lâu dài cho tôi. Hàng ngày, tôi đều đến phòng khám nhận thuốc điều trị, các y, bác sĩ rất tận tình khám, chữa bệnh và cho tôi những lời khuyên rất bổ ích để tôi có được nghị lực sống và làm việc đến hôm nay”. Hiện tại, Phòng OPC đang điều trị cho 396 bệnh nhân (trong đó có 375 người lớn và 21 trẻ em).


Thuận lợi đối với Phòng VCT và OPC của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đó là luôn nhận được sự kết hợp đưa đón khách hàng hàng tuần của nhân viên tiếp cận cộng đồng. Với sự nhiệt tình, đồng cảm của mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và sự tận tâm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của đội ngũ y, bác sĩ mà những người nhiễm HIV/AIDS đã dần hiểu ra rằng họ vẫn còn cả một quãng đời phía trước, họ cần có biết bao những tấm lòng nhân ái, những điểm tựa vững chắc để sống và làm việc có ích cho xã hội. Phòng VCT và OPC Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa là một trong những điểm tựa đó. Khách hàng và người bệnh luôn đặt niềm tin đối với đội ngũ cán bộ và thầy thuốc nơi đây.


BẢO TRỊ