01:09, 14/09/2013

Người dân ngại tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh từ chối tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh do trước đó có 3 trẻ sơ sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này.

Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh từ chối tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh do trước đó có 3 trẻ sơ sinh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này.


Số người tiêm giảm


Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thu hồi toàn bộ số vắc xin trùng với 2 lô vắc xin xảy ra tai biến ở Quảng Trị và thay thế bằng những lô vắc xin khác, tình hình tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh vẫn giảm rõ rệt. Trong một tháng trở lại đây chỉ còn khoảng 20% người dân cho trẻ tiêm so với trước đây. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc tiêm chủng vẫn bình thường. Trước và sau khi sinh, các bác sĩ (BS) tại khoa đều tư vấn cho sản phụ và người nhà về lợi ích và sự cần thiết tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu cho trẻ. Tuy nhiên các bà mẹ vẫn rất dè dặt. Sản phụ Phạm Thị Hương Mai, ở phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, cho biết: Sau khi thấy các báo, ti vi phản ánh trường hợp 3 trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B thì gia đình cũng rất lo lắng. “Tuy nhiên, sau khi nghe các BS giải thích và chúng tôi nhận thấy việc tiêm vắc xin cũng cần cho con nên đồng ý tiêm” - chị Mai chia sẻ.


Còn sản phụ Nguyễn Hoàng Như, ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang lại cho rằng: Gia đình rất lo lắng nên chưa tiêm mà chờ để theo dõi. “Tuy biết là cần thiết, nhưng cũng không an tâm vì không biết có rơi vào con mình hay không. Thôi chờ cháu nó lớn vậy, chắc cũng không sao” - chị Như nói.
Tại Nhà hộ sinh Hồng Bàng, tình hình tiêm vắc xin viêm gan B cũng tương tự. BS Nguyễn Thị Việt Hồng, Trưởng Nhà hộ sinh Hồng Bàng, TP. Nha Trang cho biết: Mỗi tháng có khoảng trên 70 ca sinh nhưng việc tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại đây cũng giảm đáng kể.


Cần tháo gỡ


Theo TS. Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Phó Trưởng Ban điều hành tiêm chủng khu vực miền Trung, Bộ Y tế, vụ việc xảy ra đối với 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân và đang được điều tra. Bộ Y tế đã đình chỉ tiêm số vắc xin còn lại cùng với 2 lô vắc xin liên quan đến tai biến nói trên. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin viêm gan B tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là loại vắc xin tái tổ hợp, tính an toàn cao. Việt Nam lại là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao nhất thế giới, trong khi đó, hiệu lực bảo vệ của vắc xin viêm gan B phụ thuộc rất lớn vào thời gian tiêm sớm hay muộn. Hơn nữa, chưa khẳng định 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị là do vắc xin viêm gan B gây ra. Vì thế, hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh bằng những lô vắc xin khác. Khu vực miền Trung hơn chục năm nay chưa có trường hợp nào tử vong khi tiêm vắc xin này. “Đây là một trong những vắc xin an toàn nhất. Người ta tiêm trong 24 giờ đầu để đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó thì hiệu lực giảm nhanh, thậm chí 7 ngày thì chỉ còn 60%” - TS Mai giải thích.

 

Bác sĩ tư vấn cho sản phụ về vắc xin viêm gan B tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ tư vấn cho sản phụ về vắc xin viêm gan B tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Sau vụ việc ở Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quan tâm hơn đến quy trình tiêm chủng như: Bảo quản vắc xin, tư vấn, khám sàng lọc, tiến hành tiêm, theo dõi sau tiêm... Sau khi tiêm, Bệnh viện phải lưu bơm kim tiêm và lọ vắc xin đã tiêm, có ghi đầy đủ tên sản phụ của trẻ được tiêm, tối thiểu 15 ngày. Theo BS Hồ Xuân Lãng, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trước khi tiêm các BS đều tư vấn và được sự đồng ý của người nhà mới tiêm. “Trước đây, việc tiêm vắc xin viêm gan B tại khoa là một việc làm thường quy, bắt buộc vì đó là quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ khi xảy ra tai biến tại Quảng Trị, chúng tôi thận trọng hơn rất nhiều so với trước, mọi khâu trong tiêm chủng đều tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy trình theo Quyết định số 23/2008 của Bộ Y tế. Có thể nói, đây là một bài học xương máu đối với những người làm công tác y tế như chúng tôi” - BS Lãng cho biết.

Khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh trước khi tiêm vắc xin tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh trước khi tiêm vắc xin tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


TS. Viên Quang Mai cho rằng, để việc tiêm vắc xin viêm gan B, cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng hiệu quả thì các cơ sở y tế phải tuân thủ đúng quy trình. Các bà mẹ có quyền và cũng cần hỏi rõ nhân viên y tế tiêm vắc xin gì, vì trong cơ sở y tế có rất nhiều loại thuốc, cùng 1 nhân viên y tế nhưng tiêm cho nhiều người nên có thể nhầm lẫn. Sau khi tiêm xong phải theo dõi kỹ trẻ trong 30 phút. “Cần kiểm tra xem cháu thở đều không, có sốt không, da có bình thường không, có khóc thét không. Nếu có bất thường thì báo ngay cho nhân viên y tế” - TS Mai hướng dẫn.


Tuy vậy, việc tiêm vắc xin tại nhiều cơ sở y tế đang gặp khó khăn. BS Nguyễn Thị Việt Hồng, Trưởng Nhà hộ sinh Hồng Bàng cho biết tại đây, trẻ được tiêm và theo dõi tại phòng sinh chứ không có phòng riêng. Nhân lực cũng thiếu nên chưa thể theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ sau khi đã tiêm đúng theo quy định. “Sau khi tiêm, cần theo dõi bé ít nhất 30 phút, nhưng do thiếu người nên không thể theo dõi hết được” - BS Hồng thừa nhận.


Đối với bệnh viêm gan B và một số bệnh mãn tính về gan, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Thế nhưng, với tình trạng tỷ lệ tiêm vắc xin này cho trẻ sơ sinh giảm như hiện nay là điều đáng lo ngại. Do vậy, ngành Y tế và cơ quan chức năng cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh để người dân tin tưởng hơn vào việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh.


Duy Anh Thư