09:09, 04/09/2013

Nan giải công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Khánh Hòa hiện đang trở thành điểm nóng và dẫn đầu cả nước về dịch bệnh sốt xuất huyết với gần 5.000 ca mắc. Mới đây vừa có thêm 1 người tử vong vì sốt xuất huyết. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết vẫn gặp nhiều khó khăn do người dân  còn chủ quan.

Khánh Hòa hiện đang trở thành điểm nóng và dẫn đầu cả nước về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) với gần 5.000 ca mắc. Mới đây vừa có thêm 1 người tử vong vì SXH. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch SXH vẫn gặp nhiều khó khăn do người dân  còn chủ quan.


Số bệnh nhân nặng tăng


Những ngày này, tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân (BN) bị SXH nặng nằm ở phòng cấp cứu khá nhiều. Phòng có 7 giường thì có đến 5 BN bị SXH. Ở các buồng bệnh khác, hơn 2/3 là BN mắc bệnh SXH, với gần 50 ca.


Ngày 31-8, Khoa đã điều trị cứu BN Nguyễn Bơi (55 tuổi, phường Tân Lập, TP. Nha Trang) bị SXH qua cơn nguy kịch. Trước đó, BN bị sốt nóng 3 ngày, thấy mệt nên truyền dịch tại nhà. Sau đó, thấy tình trạng sốt không giảm, lại ói ra máu, đi cầu phân đen không kiểm soát nên người nhà đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Tương tự, BN Ngô Thị Lượng (19 tuổi, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) vào viện cùng ngày trong tình trạng sốt âm ỉ, âm đạo ra máu. BN được chẩn đoán bị bệnh SXH. Theo bệnh án, BN đã bị sốt trước đó 7 ngày, có mua thuốc uống tại nhà nhưng bệnh không giảm nên đến cơ sở y tế tư nhân truyền dịch. Chính vì tự ý điều trị tại nhà và truyền dịch không theo hướng dẫn của bác sĩ (BS) nên khi vào viện, tình trạng bệnh của BN Lượng khá nặng, mất nhiều máu, da tái xanh, ngồi không vững. BN đã được cấp cứu, điều trị qua cơn nguy kịch.


BS Nguyễn Đông - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH vào điều trị tại bệnh viện không giảm. Bình quân mỗi ngày, Khoa tiếp nhận và điều trị từ 40 đến 50 ca, trong đó có từ 10 đến 12 ca mắc mới. 3 tháng gần đây, số BN bị SXH nặng nhập viện khá nhiều, mỗi tuần từ 1 đến 2 ca. Hầu hết các trường hợp nặng trước đó đều đã điều trị ở các cơ sở y tế tư nhân và có truyền dịch tại nhà (trong đó có ca tử vong ở huyện Vạn Ninh vào ngày 25-8). “Việc tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt nói chung và SXH nói riêng rất nguy hiểm, vì nó làm cho BS không đánh giá đúng tình trạng bệnh của BN nên khó xây dựng được phác đồ điều trị đúng; đồng thời còn góp phần gây ra nhiều biến chứng khi bệnh trở nặng. Bởi khi bệnh trở nặng, những dịch truyền này sẽ tràn vào bụng, phổi, tim... dẫn đến tình trạng suy hô hấp, BN rất dễ tử vong” - BS Nguyễn Đông cảnh báo.    

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Khó khăn nhiều mặt


Liên tục nhiều tháng qua, tuy UBND tỉnh, ngành Y tế cũng như các địa phương không ngừng triển khai các biện pháp phòng, chống, tuy nhiên dịch SXH trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng gia tăng. 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi tuần, toàn tỉnh ghi nhận từ 100 đến 150 ca mắc mới. Tình trạng này kéo dài làm cho tỉnh Khánh Hòa trở thành điểm nóng và dẫn đầu cả nước về dịch bệnh SXH với gần 5.000 ca mắc (tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012).


Diệt bọ gậy tại nhà là cách phòng, chống bệnh SXH vừa dễ làm, không tốn nhiều công sức, kinh phí mà hiệu quả đạt cao. Thế nhưng hiện nay, nhiều người dân vẫn chủ quan và thờ ơ với công tác này. Trong buổi lễ phát động phòng, chống dịch SXH mới đây, ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, tâm lý chủ quan của người dân chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh SXH dai dẳng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy được chính quyền và ngành Y tế thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở đến từng nhà, nhưng khi kiểm tra lại thì có đến hơn 70% dụng cụ chứa nước ở nhà dân có bọ gậy hoặc đã nở thành lăng quăng. Khi mắc bệnh SXH, người dân ít đến bệnh viện để được điều trị ngay mà tự điều trị tại nhà. Việc này góp phần làm tăng nguy cơ truyền bệnh ra cộng đồng.


Một yếu tố khác khiến dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp là sự xuất hiện khác thường của nhiều tuýp virus gây bệnh SXH. BS Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trước đây, ở Khánh Hòa chỉ có 1, 2 tuýp virus SXH lưu hành; đến năm 2012, có đến 4 tuýp virus D1, D2, D3, D4 cùng xuất hiện. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi phân lập được 3 tuýp virus là D1, D3, D4. Sự xuất hiện của nhiều tuýp virus SXH dễ dẫn đến tình trạng một người có khả năng mắc bệnh SXH nhiều lần, bởi người mắc tuýp virus nào thì chỉ miễn dịch với tuýp virus đó mà không miễn dịch với tuýp virus khác”. Ngoài ra, thời tiết thay đổi thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Ở một số xã, phường đã có hiện tượng muỗi kháng với hóa chất phun diệt muỗi, điều này làm cho công tác phòng, chống dịch SXH gặp nhiều khó khăn.


Bên cạnh những yếu tố trên, việc “thả nổi” mạng lưới cộng tác viên làm công tác diệt bọ gậy cũng là nguyên nhân làm cho công tác phòng, chống bệnh SXH đạt hiệu quả không cao. Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch hiện nay vẫn còn giao khoán cho ngành Y tế; các cấp, ngành vẫn chưa thật sự vào cuộc, lãnh đạo ở một số địa phương cấp xã, phường chưa quan tâm đến công tác này; hoạt động truyền thông vẫn chưa đến được với người dân, các hình thức truyền thông chủ yếu trên loa đài, trong khi truyền thông trực quan và truyền thông trực tiếp đến người dân qua hội họp, sinh hoạt dân cư, đoàn thể còn rất ít...


BÁ NGHĨA