11:09, 16/09/2013

Giải pháp tối ưu cho bệnh nhân trẻ

Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) vừa triển khai áp dụng kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron.

Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) vừa triển khai áp dụng kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron. Đây là giải pháp tối ưu dành cho bệnh nhân trẻ với nhiều ưu điểm như: Có tính ổn định cao, sử dụng đường mổ nhỏ, khôi phục phần lớn khớp háng bị thoái hóa và phần cơ xung quanh…



Sau khi được đoàn bác sĩ (BS) Đức và BS Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng chỉ định phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron (cán ngắn), bệnh nhân Lê Văn L. (55 tuổi, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Qua phẫu thuật 3 ngày, tình trạng đau nhức ở khớp háng bớt hẳn, tôi đã cử động được đôi chân. Hiện nay, tôi đang chờ cho các vết mổ hồi phục và tập vận động để có thể đi đứng lại”. Được biết, bệnh nhân L. bị tai nạn giao thông, làm cho bệnh nhân bị đau ở cổ và vùng khớp háng trái, không đi đứng được. Vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị gãy cổ kín, khớp háng trái bị ảnh hưởng và dẫn đến hoại tử xương đùi.



Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Văn Q. (50 tuổi, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) bị hoại tử chỏm xương đùi trái nặng, được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron. Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, đã cử động được đôi chân. Bệnh nhân Q. cho biết: “Tôi bị đau khớp háng 2 năm, khi cử động mạnh hay đứng lâu thấy rất đau, phải đi khập khiễng. Sau đó, các cơn đau diễn ra thường xuyên hơn. Mỗi khi cử động, vùng háng đau dữ dội, phải nằm một chỗ. Sau khi được phẫu thuật, tôi thấy các cơn đau đã giảm hẳn. Hy vọng khi vết mổ lành hẳn, tôi sẽ đi đứng lại được bình thường như trước”.    

 

1
Các bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng xem các bộ phận của cán vặn Spiron.


Thạc sĩ, BS Phan Hữu Chính - Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng cho biết, cùng với các phương pháp khác, Khoa vừa triển khai áp dụng kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron cho các trường hợp như: Viêm đa khớp dạng thấp, viêm đa khớp thiếu niên, viêm dích cột sống, thoái hóa khớp háng, do gãy cũ hay trật khớp, trượt chỏm, viêm mủ, viêm xương tủy đường máu hoặc sau mổ, lao khớp, dị dạng khớp háng bẩm sinh… Đây là kỹ thuật tiên tiến, hiện nay nhiều nước trên thế giới chỉ định dùng trong thay khớp háng dành cho các bệnh nhân dưới 60 tuổi có cấu trúc cơ xương đùi còn vững chắc và đủ dài. “Khi tiến hành thay lại khớp háng, đặc biệt trên bệnh nhân trẻ, yếu tố chất lượng xương vùng ổ cối và xương đùi rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tuổi thọ của khớp háng nhân tạo. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu để thay khớp nhân tạo nhưng vẫn đảm bảo độ vững, tuổi thọ của khớp và thuận lợi cho việc thay lại khớp háng lần 2, lần 3… So với các phương pháp khác, phương pháp thay khớp háng toàn phần không xi măng cán vặn Spiron đáp ứng được các tiêu chuẩn” - BS Chính nói.



Có mặt trong đợt chuyển giao kỹ thuật này cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giáo sư, Tiến sĩ, BS Bjorn Birkenkauer - Trưởng Trung tâm Chấn thương Bệnh viện Mittelrheir (Đức) khẳng định, đội ngũ y, BS Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và triển khai tốt kỹ thuật này. Ông cho biết, trước đây, khi thay khớp phải cắt bỏ toàn bộ cổ và can thiệp vào ống tủy của xương đùi nên làm ảnh hưởng đến cấu tạo của xương; còn hiện nay, thay khớp háng Spiron chỉ can thiệp cắt toàn bộ chỏm và giữ nguyên cổ xương đùi nên luôn đảm bảo chiều cong sinh lý, phần trục của cổ xương đùi không bị ảnh hưởng, vẫn giữ được tính đàn hồi vật lý của xương đùi. Đây là sự khác biệt rõ nhất của phương pháp này so với các phương pháp trước đây. Nó đảm bảo được sự nuôi dưỡng vùng đầu trên xương đùi. Sau 15 - 20 năm, nếu phải thay lại khớp háng toàn phần cán dài thì chất lượng xương vẫn đảm bảo. Ngoài ra, khi áp dụng phương pháp này, phẫu thuật viên chỉ sử dụng đường mổ nhỏ nên phần mềm ít bị ảnh hưởng, giúp tránh được sự mất cân bằng phần mềm và mang lại tính thẩm mỹ cao cho các bệnh nhân.



Được biết, những dụng cụ của kỹ thuật cao này nằm trong danh mục được thanh toán của bảo hiểm y tế. Chi phí cho mỗi ca phẫu thuật từ 50 đến 65 triệu đồng tùy theo cấu hình của khớp.


BÁ NGHĨA