11:08, 02/08/2013

Đa dạng thêm các dịch vụ sàng lọc trước sinh

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Khánh Hòa vừa trang bị máy miễn dịch Immulite 1000, thực hiện chẩn đoán sớm các bệnh di truyền thai nhi trước sinh, mở ra cơ hội cho các bà mẹ mang thai có có nhu cầu thực hiện sàng lọc trước sinh.

Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh Khánh Hòa vừa trang bị máy miễn dịch Immulite 1000, thực hiện chẩn đoán sớm các bệnh di truyền thai nhi trước sinh, mở ra cơ hội cho các bà mẹ mang thai có có nhu cầu thực hiện sàng lọc trước sinh.


Máy miễn dịch tự động


Hàng ngày, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh đón hàng trăm lượt sản phụ đến khám thai định kỳ, yêu cầu thực hiện các dịch vụ sàng lọc trước sinh. Trước đây, Trung tâm thực hiện dịch vụ này chủ yếu bằng siêu âm, xét nghiệm máu. Đối với các xét nghiệm di truyền mang tính chuyên sâu để phát hiện chính xác các bệnh di truyền cho con khi mẹ đang mang thai, Trung tâm phải gửi mẫu vào các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, vì thế các thai phụ phải chờ đợi khá lâu (15 - 20 ngày) mới có kết quả. Để khắc phục tình trạng trên và phục vụ khách hàng tốt hơn, đầu tháng 7-2013, Trung tâm đã trang bị máy miễn dịch Immulite 1000 (Siemens, Đức) có khả năng phân tích hoàn toàn tự động các chỉ số về: Nội tiết tố, tầm soát phát hiện sớm các loại ung thư, tìm nguyên nhân gây các bệnh lý tự miễn, đặc biệt giúp chẩn đoán sớm một số bệnh di truyền cho con khi mẹ đang mang thai như: Hội chứng Down, hội chứng Edward và dị tật ống thần kinh…


Với việc trang bị máy miễn dịch tự động này, Trung tâm đã đa dạng thêm các dịch vụ sàng lọc trước sinh và rút ngắn thời gian chẩn đoán sớm bệnh di truyền cho con khi mẹ đang mang thai. Nhiều thai phụ tỏ ra rất hài lòng vì không phải chờ kết quả lâu hoặc phải chuyển tuyến vào TP. Hồ Chí Minh như trước. Chị Nguyễn Thị Xuân (xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) cho biết, người thân của chị bị dị tật bẩm sinh, nên khi chị mang thai đứa con đầu lòng cách đây 5 năm, bác sĩ yêu cầu phải theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Chị đã phải vào TP. Hồ Chí Minh để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Việc đi lại nhiều lần rất tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Nay mang thai đứa con thứ 2, chị không phải đi xa nữa mà đến thực hiện dịch vụ ngay tại Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, đỡ tốn kém chi phí đi lại và giữ gìn sức khỏe tốt hơn.


Hạn chế trẻ sinh bị dị tật

Kỹ thuật viên đang thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh trên máy miễn dịch Immulite 1000.
Kỹ thuật viên đang thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh trên máy miễn dịch Immulite 1000.


Theo bác sĩ Phạm Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, thời điểm thích hợp để các thai phụ tham gia sàng lọc chẩn đoán là 3 tháng đầu (khi tuổi thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày) hoặc 3 tháng giữa (tuổi thai từ 14 đến 20 tuần, nhưng tốt nhất là từ 16 đến 18 tuần) của thai kỳ. Các phương pháp tiếp cận lâm sàng được sử dụng phối hợp trong sàng lọc chẩn đoán trước sinh tại Trung tâm là: Siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm di truyền. Trong đó, xét nghiệm di truyền (bằng máy miễn dịch Immulite 1000) là cơ sở khẳng định quan trọng trong việc đưa ra kết quả về tình trạng thai nhi tại thời điểm xét nghiệm một cách chính xác. Đối với các trường hợp thai phụ từng bị sảy thai, thai chết lưu trong những lần mang thai trước; đã sinh con dị tật bẩm sinh và có rối loạn di truyền, gia đình có người thân bị dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền, thai phụ có tiếp xúc hóa chất độc hại, tia xạ, thai phụ từ 35 tuổi trở lên… việc thực hiện các xét nghiệm di truyền rất cần thiết. Qua đó, thai phụ có thể nhận biết được thai nhi có phát triển khỏe mạnh hay không, hoặc có dấu hiệu của các bệnh lý tâm thần, đa dị tật, các bệnh lý về cột sống, não, thận, tim… Căn cứ vào đó, các bậc cha, mẹ có thể có quyết định phù hợp.


Được biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ chào đời, trong đó khoảng 3% số trẻ sinh ra mang các dị tật và bệnh lý bẩm sinh. Để giảm thiểu tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số, năm 2011, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tại Khánh Hòa, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Trung tâm sàng lọc của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) và các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai đề án, trong đó có Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh. Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Hiên - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hàng năm, toàn tỉnh có 15.000 đến 16.000 trẻ sinh ra, nhưng chương trình sàng lọc chưa tới 10%. Hiện nay, còn rất nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh cần được sàng lọc. “Chính vì vậy, các bậc cha mẹ khi sinh con cần quan tâm, theo dõi sát quá trình phát triển của thai kỳ. Nếu có điều kiện, thai phụ nên tham gia dịch vụ chẩn đoán sàng lọc trước sinh tại Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh” - bà Hiên khuyên.


MINH THIẾT