07:08, 31/08/2013

Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng và điều trị được

Bệnh lao do vi trùng có tên là Mycobacterium tuberculosis, còn gọi là trực khuẩn Koch, viết tắt là BK gây ra. Bệnh lao là một bệnh lây, không phải là bệnh di truyền. Có nhiều thể bệnh lao khác nhau như: Lao phổi, màng phổi, màng não, hạch, ruột, xương khớp... nhưng hay gặp nhất là lao phổi.

Bệnh lao do vi trùng có tên là Mycobacterium tuberculosis, còn gọi là trực khuẩn Koch, viết tắt là BK gây ra. Bệnh lao là một bệnh lây, không phải là bệnh di truyền. Có nhiều thể bệnh lao khác nhau như: Lao phổi, màng phổi, màng não, hạch, ruột, xương khớp... nhưng hay gặp nhất là lao phổi.


Ở Việt Nam, cứ 100 người có 40 người nhiễm lao, trong đó có 2 đến 4 người trở thành bệnh nhân lao. Bệnh lao hiện nay vẫn còn phổ biến ở nước ta, mỗi năm có thêm gần 200.000 người mắc bệnh lao và khoảng 20.000 người chết vì bệnh lao.


Bệnh lao lây truyền như thế nào


Khi một người bị lao phổi chưa được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, ho khạc, hắt hơi ra vi khuẩn lao trong không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm lao. Nếu cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ ngăn vi khuẩn lao sinh sôi nảy nở, chúng sẽ không hoạt động và tồn tại vô hại trong cơ thể. Nhiễm lao sẽ trở thành bệnh lao khi hệ miễn dịch không thể ngăn vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Lúc đó người bệnh sẽ có những dấu hiệu như ho khạc đàm kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, sút cân, đổ mồ hôi về đêm, chán ăn, mệt mỏi...


Người bệnh lao nên làm gì?


Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh lao, chúng ta cần đi khám tại cơ sở y tế, không tự chữa bệnh bằng mọi cách. Người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc. Không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói.


Người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu. Người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn. Thông thường, sẽ có 3 lần xét nghiệm đàm để kiểm tra kết quả điều trị xem bệnh đã khỏi chưa. Lần đầu sau 2 tháng điều trị, lần thứ 2 sau 4 tháng điều trị và lần thứ 3 sau 6 tháng điều trị. Người bị bệnh lao không tuân thủ điều trị sẽ làm cho bệnh không khỏi và trở nên nặng hơn. Điều quan trọng là vi trùng lao trở nên kháng thuốc, điều này sẽ gây khó khăn và tốn kém hơn đối với điều trị lao thông thường nhiều lần. Thuốc điều trị lao hiện được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ sở chống lao.


Cần làm gì để phòng bệnh lao?


Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắcxin BCG cho trẻ sơ sinh. Tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế và điều trị cho khỏi bệnh. Mọi người cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức chống đỡ của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao. Gia đình, người thân, bạn bè cần động viên người nghi lao đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh lao. Nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lao khi chăm sóc người bệnh lao. Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.


Bs. TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe)