03:07, 08/07/2013

Bài toán khó giải

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã không ngừng vượt khó, từng bước nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ thấp nên đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa có năng lực ở bệnh viện luôn lâm vào tình trạng thiếu trước, hụt sau.

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã không ngừng vượt khó, từng bước nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do chế độ đãi ngộ thấp nên đội ngũ y, bác sĩ (BS) chuyên khoa có năng lực ở BV luôn lâm vào tình trạng thiếu trước, hụt sau.


BVĐK huyện Khánh Vĩnh hiện có 5 khoa, 4 phòng, 1 đội y tế dự phòng, 1 đội bảo vệ bà mẹ và trẻ em với 96 cán bộ y, BS. Trong đó, BS trực tiếp làm công tác điều trị chỉ có 9 người. Hàng ngày, BV tiếp nhận từ 80 - 100 bệnh nhân đến khám và chăm sóc sức khỏe; công suất giường bệnh có lúc đạt trên 90%. Tuy nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn, nhưng do thiếu BS chuyên khoa nên không ít trường hợp phải chuyển lên tuyến trên, gây khó khăn cho người bệnh. Những năm gần đây, BV đã tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y, BS tham dự các khóa đào tạo ngắn, trung, dài hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng khám, chữa bệnh có sự tiến triển rõ rệt, số ca bệnh chuyển tuyến trên đã giảm đáng kể song vẫn còn đó những nỗi lo...


Thiếu bác sĩ chuyên khoa


Những năm trước đây, mỗi lần bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, khi BS chỉ định siêu âm, chụp X quang chẩn đoán hình ảnh là BV phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, những căn bệnh liên quan đến phẫu thuật, cần đến khoa ngoại để giải quyết, đơn giản chỉ là mổ các khối u lành, nối gân, nặng hơn là mổ ruột thừa, mổ đẻ... BV càng “bó tay” vì thiếu BS chuyên khoa. Thậm chí, có những khoa, phòng vẫn còn những thùng thiết bị y cụ mới, được đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chưa bóc tem nằm “đợi” BS ứng dụng. Là huyện miền núi, đời sống người dân Khánh Vĩnh ở mức thấp, hơn 88,5% dân số được cấp thẻ bảo hiểm y tế nên dịch vụ y tế tư nhân không có cơ hội để phát triển. Trong khi ở thành phố, thu nhập ngoài giờ của y, BS gấp nhiều lần so với mức lương hiện hưởng, đó chính là lý do các BS ra trường không muốn về miền núi, hoặc về một thời gian rồi tìm cách này hay cách khác để ra đi, làm cho đội ngũ y, BS có năng lực chuyên khoa tại BV huyện cứ thiếu trước, hụt sau.   


Để khắc phục tình trạng thiếu BS chuyên khoa, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện đã cử các BS đang công tác tại BV đi bồi dưỡng thêm các chuyên khoa mới như: Gây mê, hồi sức, ngoại tổng hợp, ngoại sản..., tùy theo từng chuyên khoa, thời gian đào tạo từ 6 tháng đến vài năm. Song điều đáng nói, trong số những BS sau khi được đào tạo, có không ít trường hợp về làm ở Khánh Vĩnh một thời gian ngắn, họ lại dứt áo ra đi vì thu nhập “quá còm”. BS Văn Dũng, Phó Giám đốc BVĐK Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, công tác khám, chữa bệnh ở Khánh Vĩnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu BS chuyên khoa giỏi, nhất là khoa ngoại sản vì nhu cầu của người bệnh rất lớn. Từ năm 2009 - 2010, BV đã đào tạo được 1 BS gây mê, nhưng sau đó BS này nghỉ việc, chuyển vào TP. Hồ Chí Minh nên từ năm 2010 đến cuối năm 2012, ê kíp mổ không thể thực hiện được. Năm 2013, BV đào tạo lại thêm 2 BS chuyên khoa khác, từ đó sắp xếp ê kíp mổ ở khoa ngoại sản và thực hiện thành công nhiều ca  phẫu thuật. 6 tháng đầu năm 2013, chúng tôi đã mổ được gần 30 ca, trong đó có 5 ca mổ sản, 5 ca mổ ruột thừa và một số ca nhỏ như mổ nối gân tay, chân, mổ khối u mỡ, u lành... Riêng bản thân tôi, do đã học chuyên khoa ngoại, nhưng giờ đơn vị thiếu BS nên dù là lãnh đạo vẫn phải trực tiếp cùng tham gia trong ê kíp mổ”.  

 

1
Ê kíp mổ ở Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa Khánh Vĩnh luôn thiếu trước, hụt sau.


Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng


Theo BS Văn Dũng, đối với các BV ở thành phố, đồng bằng thì việc mổ ruột thừa, mổ đẻ là hết sức bình thường. Song với một huyện nhiều khó khăn như Khánh Vĩnh, có thể coi mổ đẻ là tiến bộ rất lớn của ngành Y tế địa phương. “Còn nhớ ca mổ đẻ đầu tiên, không chỉ ê kíp mổ làm việc thận trọng, căng thẳng mà ngay cả Ban Giám đốc BV cũng túc trực bên cạnh để theo dõi từng động tác của đồng nghiệp. Chỉ đến khi ca mổ hoàn thành, đứa bé ra đời, mẹ tròn con vuông, BS của kíp mổ lẫn lãnh đạo BV mới trút đi một gắng nặng tâm lý, hạnh phúc, sung sướng dâng tràn. Bây giờ việc mổ đẻ, mổ ruột thừa, phẫu thuật nhỏ đã không còn là vấn đề khó vì BS ở đây đã có kinh nghiệm hơn - BS Dũng nói.  


Hiện nay, ngoại trừ những y, BS có gia đình ở tại địa phương, việc giữ chân BS giỏi ở lại công tác tại Khánh Vĩnh quả thực vô cùng khó. Khi chúng tôi viết bài này thì nhận được tin 1 BS Khoa Ngoại sản của BV đã thuyên chuyển về BVĐK huyện Diên Khánh. Điều đó đồng nghĩa với việc mất đi 1 mắt xích quan trọng của ê kíp mổ ở Khoa Ngoại sản. Có thể nói, bài toán thiếu BS chuyên khoa cho ngành Y tế miền núi sẽ còn là câu chuyện dài nếu vấn đề đãi ngộ, thu nhập của họ vẫn còn có sự chênh lệch rất xa so với những đồng nghiệp ở đồng bằng.


BS Lê Phán, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Những năm gần đây, đội ngũ y, BS ở Trung tâm Y tế huyện đã tăng lên đáng kể. Tuy không đến mức thiếu trầm trọng như những năm trước, nhưng điều cốt lõi ở đây là thiếu những BS chuyên khoa giỏi. Đây là vấn đề khó khăn chung của ngành Y tế các huyện miền núi chứ không riêng gì huyện Khánh Vĩnh. Vì thế, muốn giải quyết khó khăn này, các cấp và ngành chức năng cần đưa lên “bàn cân” để nhìn nhận, đánh giá, từ đó có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hợp lý thì mới giải được bài toán thiếu BS giỏi ở miền núi hiện nay.


Kim Oanh