Do chưa nắm rõ thông tin nên mỗi khi bị bệnh nặng, nhiều người dân có bảo hiểm y tế ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) ít chịu vào Trạm Y tế xã để điều trị và được chuyển viện theo đúng tuyến làm phát sinh chi phí chữa bệnh.
Do chưa nắm rõ thông tin nên mỗi khi bị bệnh nặng, nhiều người dân có bảo hiểm y tế (BHYT) ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) ít chịu vào Trạm Y tế (TYT) xã để điều trị và được chuyển viện theo đúng tuyến làm phát sinh chi phí chữa bệnh. Trong khi đó, việc phân tuyến khám, chữa bệnh (KCB) đã được ngành Y tế áp dụng hơn 1 năm nay.
Người dân băn khoăn
Chỉ vết thương vừa mới làm da non của con, ông Bo Bo Bốn - thôn Văn Sơn cho biết, trong lúc chơi đùa với các bạn, cháu bị té gãy tay. Khi đưa cháu vào TYT xã để điều trị, các y, bác sĩ (BS) ở đây định chuyển cháu xuống Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cam Lâm. Gia đình tôi không đồng ý và tự chở cháu xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Cam Ranh để điều trị. Do đi trái tuyến nên tôi phải thanh toán 50% viện phí với hơn 2 triệu đồng. Nếu tuyến KCB)của chúng tôi ở BVĐKKV Cam Ranh và gia đình tôi có giấy chuyển viện của TYT xã thì tôi chỉ phải chi trả khoảng 5% viện phí”.
Ông Nguyễn Quang Thông - Trưởng thôn Văn Sơn cho biết, toàn thôn có 256 hộ với 1.077 khẩu, trong đó có 79 hộ nghèo và 105 hộ cận nghèo. Số người dân có thẻ BHYT trong thôn tương đối cao. “Theo phân tuyến, sau khi khám ban đầu ở TYT xã, nếu bệnh nặng, chúng tôi sẽ được chuyển tới Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV) Cam An Nam hoặc vào TTYT huyện Cam Lâm. Từ đây đến trung tâm huyện Cam Lâm gần 30km, trong khi vào BVĐKKV Cam Ranh chỉ có 10km. Đối với sản phụ đến kỳ chuyển dạ, người già yếu hoặc những bệnh nhân cấp cứu mà phải đi xa như thế thì không ổn. Nhà nước nên tạo điều kiện cho chúng tôi được KCB BHYT ban đầu tại BVĐKKV Cam Ranh” - ông Thông nói.
Người dân đang điều trị bệnh tại Trạm Y tế xã Cam Phước Tây. |
Bà Nguyễn Thị Chấm - thôn Văn Thủy 1 giãi bày: “Đau ốm bình thường không sao, chứ khi bệnh nặng mà phải chạy vào TTYT huyện để điều trị thì quá xa, lỡ dọc đường có chuyện gì thì không thể xử lý kịp. Mặt khác, việc thăm nom, chăm sóc người bệnh cũng bất tiện. Do đó, khi bị bệnh nặng, người dân ở đây đều vào BVĐKKV Cam Ranh để điều trị, dù biết sẽ phải đóng tiền cao hơn. Năm ngoái, con trai của tôi bị bò húc gãy tay, vợ chồng tôi cũng đưa cháu vào BVĐKKV Cam Ranh...”.
Với những lý do trên, người dân ở xã Cam Phước Tây có BHYT đều mong muốn được khám và điều trị tại BVĐKKV Cam Ranh.
Đã được phân tuyến
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ (BS) Nguyễn Hiền - Trạm trưởng TYT xã Cam Phước Tây cho biết, giữa năm 2012, Sở Y tế đã có Quyết định số 518 về việc chuyển viện, chuyển tuyến. Theo đó, các đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại TYT xã, khi bệnh vượt quá khả năng điều trị, TYT xã có thể chuyển bệnh nhân đến 1 trong 3 nơi là: PKĐKKV Cam An Nam, TTYT huyện Cam Lâm hoặc BVĐKKV Cam Ranh. BS Hiền cho biết: “Dựa vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để chúng tôi tiếp nhận điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên cho phù hợp. Những bệnh thông thường như: Cảm, sốt siêu vi..., chúng tôi tiếp nhận điều trị; những bệnh nặng hơn nhưng không mang tính cấp bách, chúng tôi chuyển về PKĐKKV Cam An Nam hoặc TTYT huyện Cam Lâm; những bệnh nặng, mang tính cấp cứu, hầu hết chúng tôi chuyển về BVĐKKV Cam Ranh”.
Theo sổ thống kê của TYT xã, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân mà TYT xã chuyển về BVĐKKV Cam Ranh là 137 ca, TTYT huyện Cam Lâm 43 ca. BS Hiền cho biết, bình quân mỗi tháng, TYT xã chuyển bệnh nhân về PKĐKKV Cam An Nam khoảng 2 ca, TTYT huyện Cam Lâm khoảng 4 ca, BVĐKKV Cam Ranh khoảng 20 ca. BS Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐKKV Cam Ranh xác nhận, từ năm 2012, BV đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT từ TYT xã Cam Phước Tây.
Ông Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, với mục đích đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng KCB, hạn chế tình trạng quá tải tại các cơ sở KCB, tạo thuận lợi cho người bệnh và phù hợp thanh toán chi phí KCB..., tháng 7-2012, Sở Y tế đã quy định phân tuyến đăng ký KCB BHYT ban đầu trên địa bàn tỉnh theo Luật BHYT. Theo đó, những đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại TYT xã Cam Phước Tây, khi vượt khả năng điều trị, TYT được phép chuyển viện đến PKĐKKV Cam An Nam, TTYT huyện Cam Lâm hoặc BVĐKKV Cam Ranh. Vấn đề này, người dân có thể chưa nắm vững nên mới băn khoăn, lo lắng. Thực tế, việc phân tuyến này đã được thực hiện từ năm 2012.
BÁ NGHĨA