Đây là đề nghị được nêu ra tại hội thảo “Ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng, chống sốt xuất huyết” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 31-7. Tham dự hội thảo có ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đây là đề nghị được nêu ra tại hội thảo “Ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng, chống sốt xuất huyết (SXH)” do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 31-7. Tham dự hội thảo có ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng, chống SXH là dự án đã được Viện kết hợp với Bộ Y tế, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hòa triển khai thí điểm đầu tiên tại đảo Trí Nguyên (Nha Trang) từ năm 2006. Đến nay, dự án đã đi vào giai đoạn 3 (2012 - 2015) và đạt một số kết quả khả quan.
Cụ thể, sau 3 tháng (từ tháng 4 đến nay) thả lăng quăng mang vi khuẩn Wolbachia tại 820 hộ dân trên đảo Trí Nguyên, tỷ lệ thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia đạt từ 70 - 80%, tỷ lệ bọ gậy mang Wolbachia tại cộng đồng đạt 96%; từ khi thả lăng quăng, tại đảo Trí Nguyên không có ổ dịch SXH tập trung. Trên cơ sở kết quả ban đầu, đại diện dự án đề nghị UBND tỉnh cho phép mở rộng dự án ra 6 điểm trên địa bàn TP. Nha Trang.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Thân cho biết, sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đề xuất trên của dự án; đồng thời đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế có văn bản chính thức về việc triển khai giai đoạn kế tiếp của dự án; cần có sự phối hợp chặt chẽ, hợp tác lâu dài bằng văn bản giữa Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉnh Khánh Hòa và Đại học Monash, Úc - nơi quản lý dự án toàn cầu.
Được biết, mục đích dự án là tạo được loại muỗi Aedes aegypti (tác nhân chính truyền bệnh SXH) mang vi khuẩn Wolbachia (khi bị nhiễm Wolbachia, muỗi Aedes aegypti bị giảm tuổi thọ và ức chế được sự nhân lên của virus Dengue gây bệnh), sau đó đưa vào cộng đồng để thay thế muỗi tự nhiên đang truyền bệnh SXH. Năm 2001, Úc là quốc gia đầu tiên triển khai dự án này, đến nay có 7 quốc gia chính thức tham gia dự án.
T.L