04:07, 31/07/2013

Cần có giải pháp ngăn chặn

Tư tưởng xem trọng con trai của đa số người dân sống ở vùng nông thôn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã làm cho tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của hun này đứng trong nhóm cao nhất tỉnh.

Tư tưởng xem trọng con trai của đa số người dân sống ở vùng nông thôn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã làm cho tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của hun này đứng trong nhóm cao nhất tỉnh.


Cố sinh con trai


Xuân Sơn là xã có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất huyện Vạn Ninh, với 135%. Nguyên nhân là do tư tưởng trọng nam của đa số người dân trong xã. Đơn cử như vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh và anh Nguyễn Văn Trúc (thôn Xuân Ninh) có tới 3 con trai. Hiện cuộc sống hàng ngày có khó khăn hơn những gia đình sinh ít con nhưng vợ chồng anh Trúc vẫn hài lòng. “Tôi muốn sinh thêm nhiều con trai cho vui cửa vui nhà” - anh Trúc nói. Còn theo chị Ánh, chồng thích con trai nên sinh được nhiều con trai cho chồng, chị mới cảm thấy yên tâm trong việc giữ gìn mái ấm hạnh phúc.

 

1
Nhiều phụ nữ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn cố sinh thêm con trai.


Không riêng chị Ánh, phần lớn phụ nữ ở xã Xuân Sơn đều có chung suy nghĩ là phải sinh nhiều con trai, vì như thế vị thế của người phụ nữ trong gia đình mới vững vàng hơn. Chị Vũ Thị Liễu (cùng thôn với chị Ánh) cho biết: “Khi sinh con gái đầu lòng, tôi thực sự lo lắng, ý nghĩ sinh đứa con thứ 2 là con trai để cho chồng vui cứ bám riết lấy tôi trong suốt thời gian nuôi đứa con đầu. Khi sinh cháu thứ 2 là con trai, tôi thở phào nhẹ nhõm. Con nào cũng là con, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình thật sự may mắn khi sinh được con trai để nối dõi tông đường và giữ gìn hạnh phúc cho mình. Vả lại, con trai còn nhờ được khi về già...” - chị Liễu tâm sự. Còn chị Tô Thị Mận (thôn Xuân Trang) lại chia sẻ: “Chồng tôi nói sinh trai hay gái không thành vấn đề, nhưng mẹ chồng tôi muốn có cháu trai. Khi tôi sinh 2 đứa con gái, bà cũng động viên tôi ráng nuôi 2 đứa ăn học đàng hoàng nhưng vẫn muốn tôi sinh thêm con trai”...


Xuân Sơn là xã miền núi của huyện Vạn Ninh, hầu hết phụ nữ ở đây làm nghề nông, do đó trình độ nhận thức còn hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin về bình đẳng giới. Chị Đào Thị Ngọc Sen - cán bộ chuyên trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Xuân Sơn cho biết: “Tuy ngày nay, vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã được nâng cao hơn trước. Nhưng thực tế, tiếng nói về bình đẳng giới từ người phụ nữ ở nông thôn còn hạn chế. Đặc biệt, trong những gia đình có bố mẹ chồng mang nặng tư tưởng trọng nam, người phụ nữ thay vì thuyết phục chồng và bố mẹ thay đổi nhận thức thì lại cố sinh cho bằng được con trai”.


Chênh lệch giới tính

2
Với phụ nữ nông thôn, con trai luôn được coi trọng hơn con gái.


Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vạn Ninh, năm 2012, Vạn Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tỉnh với 117% (117 bé trai/100 bé gái). Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các xã vùng núi, vùng biển - nơi cần nhiều lao động nam, mà cả ở các xã đồng bằng. Trong đó, các xã có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất là: Xuân Sơn 135%, Vạn Thắng 125%, Vạn Bình 122%... Điều này cho thấy, tư tưởng trọng nam vẫn còn hiện hữu trong nhận thức của nhiều người, nhiều gia đình. Theo bác sĩ Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thực tế, mong muốn sinh con trai không chỉ xảy ra ở những phụ nữ sinh con gái 1 bề, mà nhiều chị em ngay sau khi lập gia đình đã nghĩ đến việc sinh con trai vì sợ áp lực từ gia đình chồng dẫn đến bất hòa, sứt mẻ hạnh phúc. Điều đó càng làm cho mức độ mất cân bằng giới tính tăng nhanh. Vì thế, muốn lập lại cân bằng giới tính cần thực hiện nhiều giải pháp, trước hết cần thay đổi nhận thức cho chính người phụ nữ.


Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động lớn đến cấu trúc dân số thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Vì thế, theo bà Huỳnh Thị Hiên - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, toàn xã hội cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; nâng cao địa vị và quyền của họ là việc làm cần thiết và phải thực hiện ngay từ bây giờ. Cũng theo bà Hiên, thời gian tới, để khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Vạn Ninh, Chi cục sẽ triển khai thành lập thí điểm một số câu lạc bộ sinh 2 con 1 bề và tài trợ kinh phí cho các câu lạc bộ này hoạt động. Qua đó, tuyên truyền về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, về bình đẳng giới cũng như chính sách dừng sinh ở 2 con của Nhà nước. Nếu các câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương có sự chênh lệch tỷ số giới tính cao trong tỉnh.


MINH THIẾT - ANH THƯ