Hoạt động khám, phát hiện, can thiệp sớm một số dị tật bẩm sinh thần kinh, cơ xương khớp ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được triển khai từ năm 2007 đến nay đã góp phần làm giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Hoạt động khám, phát hiện, can thiệp sớm một số dị tật bẩm sinh (DTBS) thần kinh, cơ xương khớp ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa được triển khai từ năm 2007 đến nay đã góp phần làm giảm tỷ lệ DTBS ở trẻ.
Tầm soát ngay từ sơ sinh
Hàng ngày, mỗi buổi chiều, cử nhân Nguyễn Hùng Rin - 1 trong 4 thành viên của Tổ tầm soát thuộc Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (VLTL-PHCN) BVĐK tỉnh lại lên Phòng Hồi sức Khoa Nhi để thực hiện tầm soát DTBS trẻ sơ sinh. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, Phòng Hồi sức có 11 trẻ, trong đó có 8 trẻ mới được chuyển đến. Sau khi thực hiện các kỹ thuật tầm soát, cử nhân Rin phát hiện có 2 cháu bị DTBS, 1 cháu bị bàn chân vẹo gót bên trong, 1 cháu bị nặng hơn với dị tật bàn chân vẹo gót ngoài và tay trái bị co rút gập cổ tay. Cử nhân Rin phối hợp với bác sĩ (BS) của Khoa Nhi tư vấn cho người mẹ đưa trẻ xuống Khoa VLTL-PHCN để điều trị. Tại các phòng sơ sinh Khoa Sản, những thành viên còn lại của tổ cũng chia nhau đi tầm soát DTBS ở những trẻ mới sinh.
Cử nhân Rin cho biết, các DTBS khi được phát hiện sớm, nhất là ở giai đoạn sơ sinh được can thiệp kịp thời thì gần như trẻ sẽ phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần. Do đó, trẻ sơ sinh là đối tượng chính nằm trong chương trình tầm soát. Các DTBS ở trẻ được tầm soát là bàn chân khoèo, gót, vẹo ngoài, lồi, nghiêng trong, bẹt; bàn tay khoèo, ngón cái áp; trật khớp háng bẩm sinh (chân chữ X, chữ O, khớp gối cong lõm trước, co rút gập gối), vẹo cổ do tật cơ ức đòn chủm, vẹo cột sống, dị dạng sọ mặt, lồng ngực, chậm phát triển tâm thần, vận động, tật nứt đốt sống... Sau khi tầm soát, những trường hợp nghi ngờ sẽ được tư vấn, hướng dẫn cho người mẹ cách theo dõi, tập luyện, đặt tư thế đúng để phòng ngừa biến dạng, cấp phiếu theo dõi và hẹn tái khám. Những trường hợp có bệnh thì đề xuất với BS điều trị chuyển đến Khoa VLTL-PHCN để tiến hành khám xác định, chẩn đoán, điều trị sớm và theo dõi lâu dài sau khi ra viện. Đối với những trường hợp nặng, tổ sẽ tư vấn và chuyển lên tuyến trên”.
Thành viên của Tổ tầm soát đang kiểm tra dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. |
Chị Nguyễn Bé Hai (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đang tập VLTL cho con ở Phòng Vận động trị liệu nhi, Khoa VLTL-PHCN chia sẻ: “Lúc sinh cháu ra, 2 bàn chân của cháu bất thường, bị vẹo ra ngoài. Các thành viên của Tổ tầm soát tới khám và chỉ cho tôi thấy dị tật của cháu. Cháu được đưa xuống khoa điều trị. Sau thời gian được nắn bột, tập đi theo hướng dẫn của BS, hiện nay, cháu đi đứng tương đối bình thường. Cũng may có chương trình này, nếu không khi lớn lên, cháu sẽ trở thành người khuyết tật”.
Sẽ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới
Qua hơn 5 năm triển khai, chương trình đã tầm soát cho hơn 4.900 trẻ, trong đó có hơn 300 trẻ bị DTBS (chiếm 6,2%). Đa số trẻ bị DTBS là con đầu lòng, chiếm nhiều nhất vẫn là con của cán bộ, viên chức; trong đó, tỷ lệ trẻ sinh mổ chiếm cao nhất (22,1%), kế đến là bất thường về ối, nhau thai. Những trẻ có nguy cơ cao bị DTBS là gia đình trẻ đã có người bị DBTS hoặc lúc sinh trẻ có cân nặng thấp hơn 2.500 gam. Trong các DTBS, dị tật bàn chân chiếm đa số (85,4%), kế đến là vẹo cổ do tật cơ ức đòn chủm (3,6%), còn lại là các DTBS khác. |
DTBS là một gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Hiện nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ người có khiếm khuyết, chiếm 15% dân số. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 87.000 trẻ sinh ra mắc DTBS, chiếm khoảng 1,5 - 2% dân số. Tuy nhiên, cả nước vẫn chưa có mô hình phát hiện, can thiệp sớm thống nhất; mạng lưới dịch vụ, kiến thức, kỹ năng, nhận thức của cộng đồng về phát hiện, can thiệp sớm trẻ khuyết tật còn rất hạn chế. Ngoài ra, người dân còn mang nặng tâm lý chờ cho trẻ cứng cáp mới đi khám hoặc cúng bái, chữa bệnh bằng mẹo... nên trẻ thường được đưa đi điều trị muộn dẫn đến việc phục hồi khó khăn và kém hiệu quả.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, năm 2007, Khoa VLTL-PHCN BVĐK tỉnh đã xây dựng chương trình phát hiện, can thiệp sớm một số DTBS thần kinh, cơ xương khớp thường gặp ở trẻ để giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường. BS Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng khoa VLTL-PHCN BVĐK tỉnh cho biết: “Do chưa có mô hình chuẩn nào nên chúng tôi tự học kỹ năng tầm soát qua sách vở, tài liệu; tiến hành thành lập Tổ tầm soát, phối hợp với Khoa Sản và Khoa Nhi để thực hiện tầm soát. Vừa làm, chúng tôi vừa đánh giá hiệu quả và rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện các hoạt động. Qua 5 năm triển khai, kết quả thu được khá khả quan, số trẻ có tiến triển tốt trong điều trị chiếm hơn 80%”.
Điểm mới của chương trình này so với các chương trình tầm soát trẻ sơ sinh khác là nó mang tính khép kín, trẻ bị DTBS được phát hiện, can thiệp ngay từ lúc mới sinh. Vì thế, nó giúp trẻ được phục hồi tối đa. Các kỹ thuật của chương trình này đơn giản, hiệu quả, có độ chính xác cao, lại ít tốn kém nên dễ áp dụng ở các tuyến y tế cơ sở. Theo BS Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian tới, khi đủ điều kiện, đơn vị sẽ đề xuất chuyển giao kỹ thuật này cho các tuyến y tế cơ sở có phòng sinh. Qua đó, có các biện pháp phát hiện, can thiệp sớm phù hợp, giúp trẻ bị DTBS có cơ hội phát triển bình thường, góp phần làm giảm tỷ lệ tàn tật trong cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số.
BÁ NGHĨA