Đối với những người trong bộ phận cấp cứu của bệnh viện, thời gian còn quý hơn vàng, vì một tích tắc chậm trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Hàng ngày, họ vẫn âm thầm chạy đua với thời gian để cứu người…
Đối với những người trong bộ phận cấp cứu của bệnh viện, thời gian còn quý hơn vàng, vì một tích tắc chậm trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân (BN). Hàng ngày, họ vẫn âm thầm chạy đua với thời gian để cứu người…
Vui buồn nghề tài xế xe cứu thương
1 giờ sáng, phòng trực đường dây nóng 115 tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận thông tin có BN nặng tại đường Đồng Nai, TP. Nha Trang. Sau mấy câu hỏi nhanh để nắm thông tin cơ bản về tình trạng bệnh, phòng cấp cứu báo cho tổ lái xe cấp cứu 115 cùng với 1 bác sĩ (BS), 2 điều dưỡng lập tức lên đường. Đến nơi, ê kíp cấp cứu khẩn trương thăm khám và nhanh chóng đưa BN lên xe, về bệnh viện. Trên xe, các BS, điều dưỡng sơ bộ xử trí cấp cứu BN... Tất cả những hoạt động đó diễn ra nhanh gọn, thuần thục...
Anh Nguyễn Trung Thành - tổ trưởng tổ lái xe cấp cứu 115 (thuộc Trung tâm Cấp cứu 115) cho biết: “Tôi chạy xe 115 được hơn 16 năm. Trước đó, tôi đã từng chạy xe khách đường dài, nhưng thấy chạy xe cấp cứu khó hơn nhiều, vì xe cấp cứu yêu cầu phải chạy nhanh và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tuy xe có còi ưu tiên nhưng khi đang chạy tốc độ cao, chỉ cần một thoáng mất tập trung thì sẽ là thảm họa”. 16 năm gắn bó với nghề, anh đã nếm trải biết bao chuyện vui buồn. Nhưng niềm vui là động lực khiến anh gắn bó với cái nghề này. “Tuy công việc rất vất vả, nhiều áp lực và thu nhập chỉ bình thường, nhưng bù lại, niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được góp phần cùng các y, BS... cứu chữa cho người bệnh”, anh Thành chia sẻ.
Một ca bệnh được chuyển đến bệnh viện kịp thời. |
4 năm làm tài xế xe 115, Nguyễn Tuấn Thiện Vũ (Nha Trang) cũng đã nếm trải bao vui buồn, khó nhọc của nghề này. Vũ tâm sự: “Nghề nào cũng vậy, có cái vui, cái buồn, âu cũng là nghiệp. Đối với tài xế 115, đòi hỏi phải bình tĩnh, bản lĩnh để xử trí, vì đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là giành giật mạng sống con người với tử thần”.
Hơn 20 năm lái xe cấp cứu, anh Hồ Dụng Đức, tài xế 115, BVĐK TP. Cam Ranh chưa hết xót xa khi cấp cứu cho những nạn nhân của vụ tai nạn xe khách mới đây. “Nửa đêm, tôi đang ngủ ở nhà, cũng không phải ca trực nhưng khi được điều động, tôi vội bật dậy chạy đến bệnh viện đưa xe đi ngay. Trong đêm, cùng đồng nghiệp, tôi đã chuyển 4 chuyến nhưng không tránh khỏi có nạn nhân đã tử vong trước khi kịp đến bệnh viện...”, anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, điều các anh cảm thấy buồn là vẫn có không ít người vô ý thức, gọi điện đến tổng đài quấy phá, chủ yếu là giả yêu cầu cấp cứu.
Đêm trắng ở Khoa Cấp cứu
Lực lượng cấp cứu đang can thiệp một ca bệnh khá nặng. |
Trong những lần thức đêm tại phòng trực cấp cứu BVĐK tỉnh, chúng tôi phải “hoa mắt” vì có quá nhiều ca cấp cứu. Từ người già cao huyết áp, trẻ em sốt cao, co giật, sản phụ chuyển dạ có triệu chứng bất thường đến người bị tai nạn giao thông... Tất cả đều đòi hỏi kíp trực phải xử trí nhanh chóng, kịp thời. Cảnh BN thương tích máu me, người nhà hoảng hốt... không làm họ mất bình tĩnh mà vẫn chuyên tâm vào công việc. Khi cấp cứu những ca nặng, các BS vẫn điềm tĩnh thăm khám, ra y lệnh, các điều dưỡng nhanh chóng thực hiện y lệnh. Bóng áo trắng đi lại như con thoi, tiếng băng ca lọc xọc, tiếng máy móc chạy..., Tất cả tạo thành một không khí khẩn trương, hối hả... Nhìn cảnh đó, chúng tôi càng khâm phục tinh thần, ý chí “thép” của họ.
BS Trầm Lợi Trần Tiên - Phó Trưởng khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi phải tiếp nhận khoảng 200 ca, thường là BN nặng, cần xử lý kịp thời nên đòi hỏi phải có cái đầu thật lạnh. Mỗi kíp trực gồm 10 người (2 BS, 7 điều dưỡng và 1 hộ lý) làm việc liên tục 8 tiếng. Những trường hợp quá nặng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, chúng tôi phải hội ý cùng các BS chuyên môn để cứu sống BN...”
10 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu, Võ Thị Kiều Phượng - Điều dưỡng viên khiêm tốn khi nói về mình: “Người bệnh cần chúng tôi nên chúng tôi xem họ như người nhà, hết lòng cứu chữa, đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ của nhân viên ngành Y. Đây là Khoa Cấp cứu nên càng đòi hỏi người cán bộ y tế phải ra sức rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ...”.
Lê Văn Bảy - điều dưỡng tại Trung tâm Cấp cứu 115 kể: Những ca nặng, BN ngưng tim, ngưng thở, trên đường cấp cứu đều phải xử lý bằng cách đặt ống thở hay bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực trước khi chuyển tới bệnh viện. “2 năm làm việc, tôi thấy mình trưởng thành hơn. Công việc này đòi hỏi bản lĩnh của người thầy thuốc vì hàng ngày phải cứu các nạn nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”. Người mới vào nghề không khỏi run sợ, hồi hộp, tay chân lóng ngóng, có thể làm hỏng việc...”, anh Bảy bộc bạch. Để nâng cao nghiệp vụ, hàng ngày, anh vẫn thường xuyên học hỏi, trau dồi bản lĩnh, kinh nghiệm, đặc biệt là lĩnh vực hồi sức cấp cứu. “Cấp cứu thế nào cho nạn nhân bớt tổn thương, bớt di chứng, mau chóng bình phục là điều trăn trở đối với những người tham gia công tác cấp cứu...”, anh Bảy chia sẻ.
Hướng tới một Trung tâm 115 quy mô, hiện đại
Trung tâm Cấp cứu 115 (trực thuộc Sở Y tế) được thành lập từ năm 2008. Ngoài chức năng cấp cứu ngoại viện, vận chuyển cấp cứu, Trung tâm còn có nhiệm vụ đào tạo cấp cứu ban đầu cho mạng lưới tuyến dưới từ BVĐK, chuyên khoa cho đến các trung tâm y tế... Hiện nay, Trung tâm có 2 xe cấp cứu và 18 người trong đội vận chuyển cấp cứu, gồm BS, y sĩ, lái xe, điều dưỡng trực 24/24 giờ, chia theo 3 ca 4 kíp cùng với Khoa Cấp cứu của BVĐK tỉnh. Tuy nhiên, theo BS Đỗ Thị Kim Loan - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115: “Với lực lượng này, nếu cùng lúc có 2 cuộc gọi cấp cứu thì cũng chỉ đáp ứng được 1. Ngoài việc thiếu nhân lực, 2 xe cấp cứu và hầu hết các phương tiện, thiết bị khác của Trung tâm đều do Tổ chức Counterpart (tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ - P.V) tài trợ nên hiện nay, không thể đáp ứng đủ cho công tác của đơn vị. Mặt khác, tình trạng người dân thiếu ý thức gọi điện báo cấp cứu giả vẫn thường xuyên xảy ra, chúng tôi cũng phải điều ê kíp cấp cứu ngoại viện đi làm nhiệm vụ, điều này làm thiếu lực lượng cấp cứu nội viện và hao phí xăng xe, góp phần tăng thêm khó khăn cho Trung tâm. Hiện nay, Trung tâm đang hoạt động lồng ghép với Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh nên khi quá tải sẽ có sự hỗ trợ lẫn nhau”.
Tiến sĩ, BS Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Khánh Hòa là một trong số ít các tỉnh, thành có Trung tâm 115.... Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm 115 vẫn được tổ chức theo mô hình lồng ghép giữa Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh với đội xe 115. Giai đoạn đầu còn thiếu thốn về phương tiện, cơ sở vật chất, nhân sự, trình độ chuyên môn cũng chưa cao thì việc hợp nhất này là cần thiết. Tuy nhiên trong tương lai, Trung tâm 115 cần hoạt động độc lập như một Trung tâm chuyên vận chuyển và cấp cứu BN, đáp ứng yêu cầu của công tác cấp cứu hiện đại. Hiện nay, đề án đầu tư Trung tâm 115 Khánh Hòa với quy mô hiện đại đang được thẩm định, phê duyệt.
QUANG - ANH