Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của những người làm công tác y tế là say mê với nghề và yêu thương bệnh nhân hết lòng.
Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, nhưng điểm chung của những người làm công tác y tế là say mê với nghề và yêu thương bệnh nhân (BN) hết lòng.
“Người mẹ” của Tổ liệu pháp hoạt động
Đó là điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương - Tổ phó Tổ liệu pháp hoạt động Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần (BVCKTT) tỉnh. Đưa chúng tôi đến gặp điều dưỡng Thu Hương, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà - nhân viên giáo dục đặc biệt của tổ cho biết: “Điều dưỡng Thu Hương là người rất có tâm với nghề. Tuy BN điều trị ở đây đông nhưng tên và bệnh án của BN nào cô Hương cũng đều nắm rõ. Đối với đồng nghiệp, từ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống đến nghề nghiệp, cô đều chỉ dạy, hướng dẫn tận tình”.
Điều dưỡng Thu Hương chỉ dạy bệnh nhân tâm thần làm khăn quàng cổ. |
Ở phòng điều trị bằng liệu pháp thông qua sản xuất, BN tâm thần Nguyễn Văn B. đang được điều dưỡng Thu Hương hướng dẫn tỉ mỉ cách cắt tỉa vải để làm khăn quàng cổ. Vừa hướng dẫn BN cắt vải, chị vừa khuyến khích BN hát những bài hát mình yêu thích. Mỗi khi BN B. làm đúng các bước, chị lại vỗ tay khen ngợi. Nhờ sự động viên tích cực của chị, sau hơn 20 phút, BN B. hoàn thành chiếc khăn và hớn hở khoe sản phẩm của mình. Xong việc, chị lại cùng một số thành viên của tổ sang phòng giải trí để hướng dẫn BN tham gia các trò chơi kết hợp với trị liệu bệnh. Hết thời gian điều trị, sau khi hướng dẫn BN về phòng, chị lại xuống bếp ăn từ thiện của BV để sắp xếp chỗ cho đoàn từ thiện nấu ăn phục vụ BN. Đi cùng chị, thấy nhiều BN, cán bộ, công nhân viên của BV chào và gọi tên chị một cách thân mật như người nhà, chúng tôi mới hiểu vì sao ở đây ai cũng gọi chị bằng “má”.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, năm 1974, chị theo gia đình định cư tại Khánh Hòa. Từng học qua lớp điều dưỡng, sau ngày đất nước giải phóng, chị tham gia công tác y tế và làm việc tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh. Năm 1999, do sức khỏe yếu nên chị xin về làm việc tại BVCKTT tỉnh để được gần nhà. “Ngày đầu về đây công tác, chứng kiến cảnh BN lên cơn rồi đánh nhau, tôi bị sốc cả tháng. Sau đó, tôi lại càng thấy thương BN hơn” - điều dưỡng Thu Hương chia sẻ. Nhờ có khiếu quản trò, lại thấy BN ít có các hoạt động giải trí, chị đã đề xuất lãnh đạo BV cho phép tổ chức các trò chơi giúp BN hoạt động và hướng dẫn người nhà BN cách chăm sóc người bệnh... Thấy những hoạt động của chị tỏ ra hiệu quả đối với BN, lãnh đạo BV đã cử chị đi học các lớp điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Năm 2006, Tổ liệu pháp hoạt động ra đời. Cùng với những kiến thức đã được tập huấn, chị và các thành viên trong tổ mày mò triển khai nhiều kỹ thuật lâm sàng mới trong điều trị cho BN tâm thần như: thực hiện giáo dục tâm lý cho BN và người nhà; triển khai liệu pháp tâm lý cá nhân, tâm lý nhóm, liệu pháp âm nhạc, làm bếp, yoga, hội họa, sản xuất (làm hoa, đan khăn len, chổi, đồ trang sức...); hướng dẫn các kỹ năng sống, giao tiếp... cho BN.
Điều dưỡng Thu Hương đang điều trị bằng liệu pháp hoạt động ngoài trời cho bệnh nhân. |
Bác sĩ (BS) Đặng Duy Thanh - Giám đốc BVCKTT tỉnh nhận xét: “Điều dưỡng Thu Hương góp phần rất lớn trong sự phát triển của Tổ liệu pháp hoạt động và là đầu tàu triển khai những kỹ thuật lâm sàng mới, giúp công tác điều trị BN tâm thần ngày càng hiệu quả. Chị cũng là người được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao trong việc tiếp thu và áp dụng tốt những liệu pháp điều trị mới. Nhưng trên hết, chị rất có tâm với nghề, điều trị, chăm sóc BN như chính người thân của mình. Những bằng khen, giấy khen mà BV được Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế trao tặng có sự đóng góp không nhỏ của chị”.
Giữ vững lời dạy “Lương y như từ mẫu”
Triển khai thành công nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, từ năm 2006 đến nay, BV Da liễu tỉnh liên tục đạt BV xuất sắc toàn diện, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế; năm 2011, được Bộ Y tế công nhận loại trừ thành công bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh... Những thành quả mà BV Da liễu tỉnh đạt được có sự đóng góp không nhỏ của nữ BS Trần Thị Song Thanh - Giám đốc BV. Chị rất ít nói về mình, nhưng khi nói về công việc lại rất hăng say, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về chị.
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, năm 1976 chị theo gia đình vào Nha Trang, chị theo học chuyên ngành Da liễu do sự “rủ rê” của bạn bè. Ra trường, chị về công tác tại BV Da liễu và làm việc ở phòng khám khoa Phong, vừa tham gia công tác phòng, chống bệnh phong tại cộng đồng. Trong những lần cùng đồng nghiệp xuống cơ sở khám, chữa cho BN phong, chứng kiến họ phải gánh chịu sự đau đớn của bệnh tật, chị càng đau đáu ước muốn làm sao phát hiện sớm bệnh phong khi bệnh nhân chưa tàn tật, điều trị khỏi và trả về cộng đồng những con người lành lặn. Năm 2002, được sự tín nhiệm của tập thể BV, chị được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc. Tiếp bước những thành quả của Ban lãnh đạo nhiệm kỳ trước, chị cùng Ban lãnh đạo mới đề ra nhiều chương trình trong công tác phòng, chống bệnh phong. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh và củng cố mạng lưới hoạt động của chuyên khoa Da liễu từ tỉnh đến huyện, xã nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ chuyên khoa; duy trì giao ban với các huyện, thị xã, thành phố hàng quý để giải quyết những vấn đề vướng mắc tại cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục trên mọi phương tiện; mở các lớp tập huấn cho người tình nguyện, đội ngũ y, bác sĩ đa khoa trong tỉnh; phối hợp với các BV tuyến trên, các tổ chức, hiệp hội nước ngoài trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh phong; hỗ trợ vốn vay cho những gia đình BN phong, giúp họ cải thiện cuộc sống... Nhờ triển khai đồng bộ và kịp thời các hoạt động trên, công tác phòng, chống bệnh phong của tỉnh không những đạt được nhiều kết quả khích lệ mà còn làm thay đổi nhận thức và giảm sự kỳ thị trong cộng đồng đối với BN phong... Y sĩ Nguyễn Thị Bích Giang - Phó Phòng Chỉ đạo chuyên khoa, người có gần 20 năm tham gia công tác phòng, chống bệnh phong của BV Da liễu cho biết: “Qua thời gian ngắn triển khai, thấy được lợi ích của những hoạt động này, chúng tôi ngày càng tích cực triển khai, đến năm 2011 đã loại trừ được bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban lãnh đạo BV nói chung và BS Song Thanh nói riêng”.
Bác sĩ Song Thanh khám bệnh cho bệnh nhân. |
Bên cạnh công tác phòng, chống bệnh phong, định hướng được xu hướng phát triển trong điều trị thẩm mỹ, BS Song Thanh đã cùng ê-kíp lãnh đạo BV tạo mọi điều kiện cho cán bộ, nhân viên đi học, cập nhật những kỹ thuật mới về áp dụng tại BV. Tuy là BV hạng III cấp tỉnh nhưng từ năm 2008 đến nay, BV Da liễu đã triển khai và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến như: Điều trị mụn trứng cá bằng thuốc phối hợp với tia ánh sáng xanh; điều trị tàn nhang, nốt ruồi, mụn cóc, sẹo lồi bằng máy Laser CO2; điều trị bớt mạch máu, hẹp lỗ chân lông bằng công nghệ ánh sáng...
Hơn 20 năm theo nghề Y, dù ở cương vị lãnh đạo hay trong công tác chuyên môn, BS Song Thanh đều nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và trung ương. Tuy vậy, chị cho rằng, những thành quả mà BV Da liễu đạt được chính là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng và công sức của cả tập thể. Chị chỉ cố gắng thực hiện lời dạy của Bác đối với người thầy thuốc.
THẢO LY