Thời tiết chuyển mùa, trời bắt đầu se lạnh là lúc bệnh viêm đường hô hấp có nguy cơ bùng phát...
Thời tiết chuyển mùa, trời bắt đầu se lạnh là lúc bệnh viêm đường hô hấp (ĐHH) có nguy cơ bùng phát. Hơn tuần qua, số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa do viêm ĐHH tăng, mỗi ngày trung bình có khoảng 10-15 ca viêm ĐHH trên (viêm họng, hầu, mũi…) và viêm ĐHH dưới (viêm phổi), đặc biệt 2-3 ca viêm phổi nặng. Phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với Bác sĩ Võ Minh Hiền - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa về vấn đề này.
Bác sĩ có thể cho biết triệu chứng của bệnh viêm ĐHH?
Triệu chứng của bệnh viêm ĐHH ban đầu là sốt, ho, chảy mũi nước, 2-3 ngày sau, có hiện tượng thở nhanh, khó thở, để lâu hơn sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp. Cần chú ý là phát hiện những dấu hiệu trở nặng (nhịp thở nhanh có co rút lõm lồng ngực) và đưa trẻ đi BV ngay.
Thời tiết chuyển mùa, trời bắt đầu se lạnh, không khí ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho một số siêu vi gây bệnh ĐHH phát triển mạnh. Thời gian gần đây, số bệnh nhân viêm ĐHH đến khám và điều trị nội trú tại BVĐK tỉnh tăng. Hầu như ngày nào cũng có trẻ nhập viện với chẩn đoán viêm phổi nặng.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do gia đình chủ quan không đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm, tự mua thuốc điều trị tại nhà, không có chỉ định của bác sĩ, dẫn đến việc điều trị khó khăn. May mắn là tại BVĐK tỉnh, từ đầu mùa đến nay, chưa có ca nào tử vong do viêm phổi nặng.
Một trường hợp viêm đường hô hấp được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. |
Những sai lầm hay mắc phải khi chăm sóc trẻ viêm ĐHH?
Qua theo dõi các trường hợp trẻ viêm ĐHH khám và điều trị nội trú tại BVĐK tỉnh, tôi thấy có những sai lầm mà rất nhiều gia đình mắc phải, trong đó đặc biệt là sử dụng thuốc bừa bãi và chưa biết cách chăm sóc trẻ đúng cách khiến cho tình trạng bệnh càng nặng thêm.
Hầu hết trẻ viêm ĐHH đều có biểu hiện ho. Khi thấy con ho nhiều, nhiều bà mẹ lo lắng, suốt ruột, tự mua thuốc ho về cho bé uống. Thực tế, đây là việc làm hết sức sai lầm. Trong trường hợp này, thuốc ho chỉ giảm triệu chứng. Trong thuốc ho có những chất không có lợi cho ĐHH, làm đờm đặc lại, giảm phản xạ ho, ứ đọng đờm giải, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn khiến tình trạng viêm phổi kéo dài và trở nặng hơn, việc điều trị lúc này sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Tôi muốn lưu ý rằng khi trẻ bị viêm phổi thì ho là một biểu hiện không nguy hiểm mà ngược lại là phản xạ tốt để tống đờm giải ra ngoài, cải thiện ĐHH, kết hợp với việc điều trị của bác sĩ, bệnh sẽ mau cải thiện.
Một sai lầm khá phổ biến khác là khi trẻ sốt cao thường có biểu hiện run, gia đình nghĩ là trẻ lạnh, lấy mềm đắp thêm cho trẻ. Việc làm này vô tình làm cơ thể trẻ không trao đổi nhiệt với bên ngoài, vì thế trẻ sốt cao hơn và dễ bị co giật. Khi trẻ sốt, nên uống thuốc hạ sốt và lau nước ấm liên tục để cơ thể trao đổi nhiệt với bên ngoài tốt hơn.
Cách phòng bệnh và chăm sóc trẻ viêm ĐHH tại nhà như thế nào, thưa bác sĩ?
Trẻ bệnh thường biếng ăn, tiêu hóa kém nên đặc biệt chú ý dinh dưỡng cho trẻ. Không nên kiêng khem. Trẻ bị bệnh thường có hiện tượng ho và hay nôn. Nên chia nhỏ bữa ăn, khoảng 2 tiếng 1 lần, giúp cho tiêu hóa dễ dàng hơn. Cần cho trẻ uống nhiều nước, vỗ lưng cho trẻ, giúp đờm loãng và dễ thải ra ngoài.
Biện pháp phòng bệnh lâu dài là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo bữa ăn phải đầy đủ chất với tỷ lệ cân đối; chích ngừa bệnh đầy đủ, uống vitamin A, cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng chống lại những bệnh nhiễm trùng cơ hội; tránh nơi ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá. Khi thời tiết chuyển mùa, trời se lạnh như hiện nay, cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là về đêm và sáng sớm.
Sức đề kháng của trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, còn yếu nên diễn biến bệnh nhanh, khó lường, nếu không được chữa trị kịp thời dễ gây tổn thương toàn cơ thể. Vì thế, khi bé mắc bệnh cần sớm đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn bác sĩ.
Như Thảo