10:12, 26/12/2012

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe về giới

Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực y tế bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Nhiều hoạt động thiết thực

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về công tác BĐG, ngành Y tế tập trung vào những hoạt động như: quan tâm chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng nhằm từng bước cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ, nam giới và trẻ em; đầu tư, nâng cấp mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) đến tận các xã, phường, thị trấn; sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các bệnh viện tuyến huyện; nâng cao chất lượng KCB cho người dân; mọi người bệnh đều được hưởng chế độ KCB của ngành. Đặc biệt, nghiêm cấm đội ngũ y, bác sĩ sử dụng phương tiện khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế giúp sản phụ lựa chọn giới tính thai nhi. Trong hoạt động CSSK sinh sản cho phụ nữ, trẻ em, hầu hết các cơ sở y tế đều đã thành lập chuyên khoa riêng. Đối với nam giới, tuy chưa có chuyên khoa riêng nhưng tại các cơ sở y tế đều có phòng tư vấn sức khỏe, kịp thời giải đáp và tư vấn những vấn đề về sức khỏe cho nam giới.

Cùng với các cấp, ngành thực hiện BĐG trong lĩnh vực y tế, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tăng cường tổ chức nhiều hoạt động hướng đến CSSK phụ nữ và trẻ em. Đó là những hoạt động như: khám phụ khoa, tiêm VAT, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)... Đồng thời, Hội mở hàng trăm lớp phổ biến kiến thức về tâm lý, dinh dưỡng và cách chăm sóc con theo khoa học cho 10.250 bà mẹ; tổ chức 22 buổi hội thảo tư vấn các vấn đề về dinh dưỡng bữa ăn gia đình, CSSK phụ nữ mang thai cho 3.377 phụ nữ.

Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực y tế bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú.
Chăm sóc thai phụ và trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CSSK như: tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho nữ giới; vận động chị em có thai đi khám thai định kỳ và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Cùng với đó, vận động thực hiện tốt KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai, tích cực tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền về CSSK phụ nữ, sức khỏe sinh sản, phòng, chống HIV/AIDS...

Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách như: chế độ thai sản, bảo hiểm y tế, CSSK... cho cả nam và nữ giới. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền tại các đơn vị y tế về vai trò, vị trí của công tác cán bộ nữ đã có chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước. Nhờ đó, khoảng cách về bất BĐG giữa nam và nữ trong lĩnh vực y tế đang dần được thu hẹp thấy rõ...”.

Vẫn còn bất cập

Theo đánh giá của ngành Y tế, tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc triển khai thực hiện BĐG trong lĩnh vực y tế vẫn tồn tại nhiều bất cập. Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CSSK, KCB đối với phụ nữ vẫn còn có những cản trở. Trong gia đình, vai trò quyết định của nam giới về thu nhập, kinh tế còn tồn tại, đã tác động không nhỏ đến phụ nữ khi lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ CSSK. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ ở nông thôn mắc các bệnh phụ khoa do ảnh hưởng từ việc sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường và điều kiện lao động chưa được đảm bảo. Tỷ lệ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình được các cơ sở y tế sàng lọc, phát hiện, tư vấn và CSSK còn thấp. Nam giới tham gia, chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong công tác KHHGĐ và phòng, chống các bệnh lây qua đường tình dục chưa cao.

Ở những vùng sâu, vùng xa, cơ hội tiếp cận với các kênh truyền thông và dự phòng lây nhiễm HIV của phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt phụ nữ ít có quyền tự quyết trong sử dụng các biện pháp dự phòng. Đồng thời, sự tham gia của nam giới trong thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV còn hạn chế. Với những phụ nữ nhiễm HIV còn bị ảnh hưởng của những định kiến, tâm lý lo ngại nên đã tạo ra rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, điều trị bệnh...    

Bà Trịnh Thị Hợp cho biết: “BĐG trong lĩnh vực y tế là điều rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện các chính sách liên quan đến CSSK cho phụ nữ, nam giới và trẻ em; thúc đẩy công tác giáo dục, góp phần giảm bất BĐG trong nhận thức xã hội nói chung...”.

 VĂN GIANG