10:10, 29/10/2012

Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân

Kỹ thuật này chỉ mới được áp dụng ở một số bệnh viện tuyến trung ương và một số ít bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.

Kỹ thuật này chỉ mới được áp dụng ở một số bệnh viện (BV) tuyến trung ương và một số ít BV tuyến tỉnh, trong đó có BV Đa khoa (BVĐK) Khánh Hòa. Việc áp dụng thành công kỹ thuật này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân (BN).

Tháng 9 vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Khoa Phẫu thuật tim BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), ê-kíp bác sĩ (BS) Khoa Ngoại Tổng quát BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật nối động mạch chủ bụng (ĐMCB) bằng mạch máu nhân tạo. Đây là một kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý mạch máu hiện nay. Trong đợt chuyển giao kỹ thuật trên, BN N.V.S (75 tuổi, Diên Khánh) bị bệnh phình ĐMCB đã được phẫu thuật bằng kỹ thuật này và thay mạch máu nhân tạo miễn phí. Sau mổ, sức khỏe BN phục hồi tốt. BN N.H.L (60 tuổi, Nha Trang) vào BVĐK tỉnh với triệu chứng thiếu máu mãn tính; hai chân yếu, đau khi đi lại. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, BN được chẩn đoán tắc mãn tính ĐMCB và động mạch chậu 2 bên. BN được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp trên. Ca mổ thành công và sau mổ, sức khỏe BN được phục hồi tốt.

Đây là 2 trường hợp mắc bệnh phình ĐMCB đã được ê-kíp BS BVĐK tỉnh cứu sống bằng phương pháp phẫu thuật nối ĐMCB bằng mạch máu nhân tạo.

1
Sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân N.V.S phục hồi tốt.

Thạc sĩ, BS Huỳnh Như Quốc Hùng (Khoa Ngoại Tổng quát), người trực tiếp thực hiện 2 ca mổ trên cho biết, phình ĐMCB là một bệnh hiếm gặp, tuy nhiên, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị và phẫu thuật kịp thời. Nguyên nhân bởi đây là động mạch lớn, khi xảy ra biến chứng, túi phình vỡ sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu ồ ạt, BN rất dễ tử vong do bị mất máu. Theo BS Huỳnh Như Quốc Hùng, bình thường, ĐMCB có đường kính 1,5cm, còn khi động mạch này phình lên gấp đôi (3cm) thì gọi là bệnh phình ĐMCB. Khi đường kính của động mạch này phình lên từ 5cm thì BS sẽ chỉ định mổ. Nguyên nhân chính của căn bệnh này (chiếm tới 90%) là do xơ vữa động mạch, hoặc do bị chấn thương động mạch, viêm động mạch, BN mắc bệnh lý mô liên kết thành mạch yếu. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này như do tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá... Biểu hiện lâm sàng là BN bị đau bụng âm ỉ, sờ vào bụng thấy có khối phình và đập theo nhịp đập của tim; hoặc chân bị tím tái, đau, đi lại khó khăn. Ngoài ra, khi túi phình bị vỡ (sau phúc mạc hoặc trong phúc mạc), BN sẽ có triệu chứng sốc, vật vã và có thể tử vong trên đường vào viện do mất máu. Thường ở giai đoạn này, nếu có vào viện kịp thời thì tỷ lệ cứu sống BN cũng chỉ chiếm khoảng 10%. “Tuy rất dễ bị tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời nhưng hơn 80% BN vào viện và phát hiện được bệnh này đều tình cờ qua khám, siêu âm một căn bệnh khác” - BS Quốc Hùng cho hay.

Trước tháng 7-2012, những BN ở Khánh Hòa bị mắc căn bệnh này đều được chuyển lên BV tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh (Chợ Rẫy, ĐH Y Dược, Thống Nhất...) để điều trị. Vì phương pháp căn bản để điều trị bệnh này là phải  phẫu thuật để cắt, ghép ĐMCB bằng mạch máu nhân tạo. Đây là kỹ thuật cao, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cứng. Ngoài ra, ĐMCB là động mạch lớn, trong quá trình phẫu thuật rất dễ xảy ra biến chứng nên cần có những thiết bị cấp cứu hiện đại đi kèm. Để nâng cao chất lượng phục vụ và tiến tới thành lập Khoa Lồng ngực - Tim mạch vào cuối năm nay, năm 2010, BVĐK tỉnh đã cử một ê-kíp BS vào BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh tập huấn về phẫu thuật tim hở và động mạch chủ. Sau hơn 1,5 năm, hiện ê-kíp này đã phẫu thuật thành công một số bệnh lý về các mạch máu ngoại biên và ĐMCB.

Việc áp dụng thành công kỹ thuật nối ĐMCB bằng mạch máu nhân tạo tại BVĐK tỉnh đã mở ra thêm cơ hội sống cho nhiều BN mắc bệnh này.

THẢO LY