Do bị mất ngủ hoặc thiếu ngủ thường xuyên, sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt, người lúc nào cũng thấy mỏi mệt, phờ phạc, luôn luôn cảm thấy váng vất trong đầu, khả năng chú ý, tư duy, trí nhớ giảm sút.
Trong củ Bình vôi có tinh bột và khoảng 1,2 đến 1,5% ancaloit, trong đó có một chất có tác dụng an thần rất tốt là L. tetrahydropanmatin. |
Tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn này. Nhiều người thường than phiền mình bị mất ngủ. Có người trằn trọc suốt đêm đến khi vừa chợp mắt thì đã sắp sáng. Có người tuy ngủ được nhưng giấc ngủ không sâu, chập chờn, hay nằm mê, chỉ một tiếng động nhỏ là thức giấc. Cũng có người cả đêm không ngủ nhưng ban ngày lại ngủ gà ngủ gật, lúc nào cũng có cảm giác buồn ngủ. Do bị mất ngủ hoặc thiếu ngủ thường xuyên, sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt, người lúc nào cũng thấy mỏi mệt, phờ phạc, luôn luôn cảm thấy váng vất trong đầu, khả năng chú ý, tư duy, trí nhớ giảm sút.
Mất ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi hay bị hơn vì có liên quan đến những bệnh tiềm tàng trong cơ thể, đến sự lão hóa của não và xơ vữa động mạch não.
Đối với người cao tuổi, nhu cầu ngủ hằng ngày khoảng 6 - 7 giờ, có thể ít hơn một chút cũng được nhưng phải là giấc ngủ tốt, ngon và sâu, ngủ dễ dàng, thức giấc nhanh, gọn. Sau khi ngủ dậy thấy người khỏe mạnh sảng khoái, lạc quan yêu đời, muốn hoạt động. Những giấc ngủ tốt như vậy quý hơn cả những liều thuốc bổ, có giá trị bảo vệ sức khỏe và tuổi thọ con người. Muốn có được giấc ngủ tốt, chúng ta cần quan tâm đến nó đúng mức, rèn luyện cho mình một thói quen nhất định và cố tránh những nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ. Cụ thể:
- Ngủ và dậy điều độ vào những giờ nhất định, tốt nhất là nên ngủ sớm và dậy sớm. Cố gắng đảm bảo sự yên tĩnh trong giấc ngủ.
- Trước khi ngủ không nên ăn nhiều để bộ máy tiêu hóa không phải làm việc nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tránh uống nhiều nước để đỡ phải thức giấc đi tiểu nhiều ban đêm. Không uống chè đặc, cà phê buổi tối.
- Tránh suy nghĩ căng thẳng và những xúc động mạnh, rèn luyện cho mình luôn luôn có một tinh thần thanh thản, một trạng thái tinh thần cân bằng trước những tác động của cuộc sống.
- Ban ngày nên vận động, tập thể dục buổi sáng đều, lao động chân tay vừa sức, tạo điều kiện cho giấc ngủ ngon. Nếu ít vận động hoặc ngủ ban ngày nhiều, đêm sẽ khó ngủ.
- Chuẩn bị chỗ ngủ tốt, thoáng khí, đảm bảo mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông; chăn, chiếu, màn, gối luôn luôn sạch sẽ.
- Nếu trong cơ thể có sẵn bệnh mạn tính gây khó ngủ như thấp khớp, loét dạ dày - tá tràng, viêm phế quản mạn tính, u xơ tuyến tiền liệt… cần tích cực chạy chữa để ban đêm không bị thức giấc vì những cơn ho, cơn đau nhức, đi đái dắt…
- Cuối cùng là việc dùng thuốc ngủ. Trong trường hợp mất ngủ nhiều ngày, dùng thuốc ngủ giúp cho ngủ được là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng. Các loại thuốc ngủ hiện có nhiều nhưng hầu hết là những hóa chất, dùng nhiều dễ quen thuốc và có hại cho cơ thể, có những trường hợp gây ngộ độc rất nguy hiểm.
Để chữa mất ngủ, từ lâu đời nhân dân ta đã dùng nhiều loại cây cỏ an thần gây ngủ. Các thuốc ngủ thảo mộc này không độc, giúp ta ngủ ngon giấc, không mộng mị, khi dậy thấy khoan khoái, tỉnh táo chứ không mệt mỏi như các thuốc ngủ hóa chất. Xin gửi đến bạn đọc những cây vẫn được nhân dân ta sử dụng để làm “thuốc ngủ”.
Lá vông nem
Đây là một vị thuốc chữa mất ngủ và an thần tốt, không độc, mọi lứa tuổi đều dùng được. Chúng ta có thể sử dụng lá vông nem dưới nhiều dạng: sắc lấy nước uống, nấu ăn, làm xi rô lá vông, rượu lá vông, cao lá vông… Đơn giản nhất là sắc lấy nước uống: hái 8 - 16 lá vông bánh tẻ phơi khô, sắc uống 1 - 2 lần trong ngày trước khi đi ngủ hoặc cũng có thể lấy lá Vông phơi khô tái, thái nhỏ, cho vào ấm, đổ nước sôi vào hãm như nước chè, uống trước khi ngủ.
Muốn pha rượu lá vông, ta lấy 200g lá vông tươi ngâm với một lít rượu, ngày uống 40ml, chia làm hai lần; muốn pha xi rô lá Vông ta chỉ cần lấy 300ml rượu lá vông nói trên pha nước đường cho đủ một lít, ngày uống 40ml, chia làm hai lần.
Thường lá vông được dùng phối hợp với lá dâu, tâm sen, lạc tiên… trong nhiều bài thuốc chữa mất ngủ, tác dụng rất tốt.
Củ Bình vôi
Củ Bình vôi một loại củ to, vỏ sù sì, màu nâu xám, nhân dân ta vẫn thu hái từ các vùng núi đá đem về làm thuốc trẫn tĩnh, an thần.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong củ Bình vôi có tinh bột và khoảng 1,2 đến 1,5% ancaloit, trong đó có một chất có tác dụng an thần rất tốt là L. tetrahydropanmatin.
Nhân dân ta dùng củ bình vôi dưới nhiều hình thức, phổ biến là dạng thuốc bột và rượu thuốc. Cách chế biến rất đơn giản: thu hái củ Bình vôi về, cạo bỏ lớp vỏ đen, thái mỏng, đem sấy hoặc phơi khô rồi tán nhỏ thành bột. Muốn chế rượu thuốc, ta ngâm bột này vào rượu từ 7 đến 15 ngày, cứ 100g bột củ Bình vôi ngâm vào một lít rượu 40 độ. Liều thường dùng mỗi ngày từ 3 đến 6g bột củ Bình vôi, hoặc 10 - 15ml rượu thuốc.
Lá Sen và tâm Sen
Tâm Sen là mầm xanh ở giữa hạt Sen già. Từ lâu, nhân dân ta vẫn lấy tâm Sen tẩm nước Gừng sao qua làm thuốc chữa nhiều bệnh, gọi là “Liên tâm”.
Theo Y học cổ truyền, Liên tâm vị đắng, lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, bổ tâm, an thần, dưỡng huyết, giải cảm nắng, dùng chủ yếu để chữa những chứng phiền nhiệt, mất ngủ. Mùa hè dùng tâm Sen thay chè pha nước uống có tác dụng giải nhiệt, trừ được cảm nắng, ngủ ngon giấc. Lấy 10g tâm Sen đun với 100ml nước sôi trong 10 - 15 phút, gạn lấy nước, uống cả một lần trước khi đi ngủ, hoặc có thể pha chế thuốc ngủ lá Sen như sau: Chọn hái những lá Sen bánh tẻ (vì tỷ lệ ancaloit toàn phần và nuxiferin trong lá bánh tẻ cao hơn), rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ, mỗi ngày dùng 20 - 30g cho vào ấm, đổ 200ml nước, sắc còn 100ml, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu không tiện sắc, ta có thể cho lá Sen tán nhỏ vào ấm, đổ nước sôi hãm như hãm chè làm nước uống.
Caythuocquy.info.vn