Rượu thuốc giúp làm ấm cơ thể, chống lại cái rét ngọt của những ngày cuối đông, đầu xuân. Tuy nhiên, để có một hũ rượu thuốc chất lượng tốt thì không phải ai cũng biết...
Rượu tang thầm. |
Rượu thuốc giúp làm ấm cơ thể, chống lại cái rét ngọt của những ngày cuối đông, đầu xuân. Tuy nhiên, để có một hũ rượu thuốc chất lượng tốt thì không phải ai cũng biết. Xin giới thiệu cách ngâm một số loại rượu thuốc để bạn đọc tham khảo.
1. Rượu tang thầm, đại táo, đan sâm: tang thầm 20g, đại táo 40g, khởi tử 30g, đan sâm 40g. Cho các vị trên vào bình thủy tinh, thêm 1.500ml rượu trắng để ngâm, sau 10 ngày là dùng được. Tác dụng: bổ tâm dưỡng huyết. Trong bài, đan sâm bổ khí dưỡng huyết; đại táo bổ tâm; tang thầm bổ tâm phế lợi ngũ tạng, an thần, dưỡng huyết. Rượu có màu vàng đậm, tươi hồng của khởi tử; vị ngọt thanh của đại táo cùng đan sâm tạo được hương vị thơm, ngọt êm, dễ uống. Dùng một vài ly nhỏ trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ..
2. Rượu sâm hành, cát cánh, cam thảo: sâm hành 30g, cát cánh 30g, cam thảo 25g, mạch môn 30g, ngũ vị 25g. Sâm hành sao thơm trước khi ngâm. Các vị cho vào bình thủy tinh, thêm vào 1.500ml rượu, ngâm khoảng 10 ngày là được. Dùng 2 - 3 ly nhỏ mỗi ngày trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Trong bài cát cánh, mạch môn, ngũ vị, sâm hành bổ phế, tuyên thông phế khí.
3. Rượu bạch truật, đinh lăng, huyết đằng: bạch truật 30g, củ đinh lăng 30g, cam thảo 30g, kê huyết đằng 20g, hồng sâm 30g. Các vị thái lát rồi bỏ vào bình sành, đổ thêm 1500ml rượu trắng ngâm khoảng 10 ngày là dùng được. Mỗi ngày uống vài ly nhỏ trong bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Công dụng: bổ tỳ, giúp tiêu hóa tốt. Trong bài bạch truật, đinh lăng, cam thảo tăng cường chức năng tiêu hóa của tỳ vị; kê huyết đằng hoạt huyết dưỡng huyết.
Theo SKDS