04:03, 15/03/2010

Cảnh giác với cơn đau thắt ngực

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây đau thắt ngực, nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh lý tim mạch, trong đó có một số bệnh nặng và rất nguy hiểm.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây đau thắt ngực, nhưng phổ biến nhất vẫn là bệnh lý tim mạch, trong đó có một số bệnh nặng và rất nguy hiểm.

Sáng nay (15-3), những người dân ở đường Ngô Gia Tự (Nha Trang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi tiễn đưa anh C., 49 tuổi, về nơi an nghỉ cuối cùng. Sự ra đi đột ngột của anh khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo lắng khi trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh tật. Vợ anh C. cho biết: Chiều 11-3, anh C. đi nhậu với mấy người bạn, nhưng nhậu chưa được bao lâu thì anh cảm thấy tức ngực, khó thở nên ra về. Sau đó, anh chị chở nhau đi thăm một người bà con, dạo một vòng đường biển rồi về ăn cơm. Cơm xong, trong lúc ngồi nghỉ anh kêu mệt, khó thở và tê nửa người bên trái. Chị vội kêu taxi đưa anh đến Bệnh viện (BV) 87. Trên đường đi anh ói ra cơm, máu,  và khi đến BV anh đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Tuy được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng đến 5 giờ 30 sáng hôm sau anh C. đã qua đời.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện một ca nong mạch vành để điều trị cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

Theo các bác sĩ, tình trạng của anh C. có thể là hậu quả của một cơn nhồi máu cơ tim cấp. Nếu anh được đưa đến BV sớm (ngay từ khi có triệu chứng đau ngực) thì có thể anh đã được cứu chữa kịp thời, bởi đặc điểm của bệnh này là cần có “thời gian vàng” (khoảng 30 đến 120 phút kể từ lúc cơn đau xuất hiện) để chữa trị. Theo bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, đau thắt ngực là triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Nguyên nhân gây bệnh là một nhánh của động mạch vành bị hẹp, làm cho một vùng cơ tim không được cấp máu đầy đủ nên không đảm bảo nuôi dưỡng cơ tim. Cơn đau thắt ngực thường tái diễn nhiều lần, mỗi cơn đau thường từ 5 đến 30 phút.

° Những người có nguy cơ đau thắt ngực?

Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trên 40 (nam chiếm 80%, nữ trên 45%). Những người mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, người ăn quá nhiều chất béo, có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, hay phải lo nghĩ, tiền sử gia đình có người bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… đều là đối tượng có nguy cơ bị cơn đau thắt ngực.

° Khi nào xuất hiện cơn đau thắt ngực?

Đau thắt ngực xuất hiện sau một hoạt động gắng sức như làm việc nặng, chạy, leo dốc cầu thang, quan hệ tình dục… Yếu tố tâm lý như xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ… cũng có thể là nguyên nhân xuất hiện cơn đau. Ngưỡng đau là mức độ gắng sức của người bệnh để xuất hiện cơn đau. Ví dụ như đau xuất hiện sau mỗi lần đi bộ được đúng 1km. Động mạch vành càng hẹp thì ngưỡng đau càng thấp, có những bệnh nhân chỉ vận động tăng lên một chút là đã xuất hiện cơn đau. Đa số bệnh nhân có ngưỡng đau ổn định (cơn đau thắt ngực ổn định). Ví dụ như khi leo cầu thang lên đến tầng 3 là xuất hiện cơn đau, sáng chạy thể dục đến đúng một địa điểm là thấy đau, xách đến xô nước thứ 2 là thấy đau. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định. Đó là biểu hiện của bệnh càng ngày càng nặng lên, các cơn đau xuất hiện dày lên, đau dữ dội hơn, chỉ chạy đoạn ngắn, leo mấy bậc cầu thang… đã đau. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì khó phân biệt với nhồi máu cơ tim. Nhiều người bệnh cho rằng đau thắt ngực là cơn đau có cảm giác như thắt lại ở vùng ngực, tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều cơn đau như vậy do các bệnh lý khác ở tim, phổi, thực quản, dạ dày, xương sườn, thần kinh, cơ… nhưng lại không phải do thiếu máu cơ tim cục bộ nên không được gọi là cơn đau thắt ngực.

° Khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, khi tình trạng đau ngực có liên quan đến bệnh lý tim mạch nguy hiểm thì cần được điều trị ngay. Nếu một người bị đau ngực và có một trong các tình huống sau thì nên đến BV để được bác sĩ chẩn đoán và loại trừ các trường hợp nặng nguy hiểm đến tính mạng: Trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (gia đình có người bị bệnh mạch vành, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, tăng mỡ máu, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…); trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch khi còn dưới 55 tuổi; cảm giác đau ngực dữ dội, đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực; đau ngực lan ra vai, tay hay hàm; kèm theo đau ngực là các triệu chứng mệt, yếu, nôn ói, thở ngắn, vã mồ hôi, chóng mặt; đau ngực với cảm giác hoang mang, lo lắng, đau ngực kéo dài trên 15 phút; cảm giác đau ngực không giống những lần trước; đau ngực tăng lên nhiều so với các lần đau ngực trước đây. “Để phòng cơn đau tức ngực, cần thực hiện chế độ ăn giảm mỡ và muối, không hút thuốc lá, đồng thời cần tăng cường luyện tập và vận động thân thể, điều trị tốt các bệnh béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường”, bác sĩ Thưởng nói.

NGỌC KHÁNH