22:11, 26/09/2024

Tiêm vắc xin - giải pháp tối ưu phòng bệnh sởi

C.ĐAN

Hiện nay, ở một số tỉnh, thành đã ghi nhận số ca mắc bệnh sởi tăng cao. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi từ cuối tháng 8. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại Khánh Hòa ghi nhận rải rác vài ca mắc, dự báo số ca sẽ có dấu hiệu gia tăng nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Ghi nhận rải rác số ca mắc

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sởi tại Việt Nam diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc, chủ yếu ở trẻ em, đã có ca tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ.

Riêng tại Khánh Hòa, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã lấy mẫu 48 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và rubella. Xét nghiệm cho kết quả có 34 ca âm tính, 12 ca dương tính với bệnh sởi (Nha Trang 7 ca, Cam Ranh 2 ca, Diên Khánh 1 ca, Khánh Vĩnh 2 ca). Ngoài ra, trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm quốc gia còn ghi nhận 2 bệnh nhi dương tính với bệnh sởi là người Khánh Hòa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) điều trị.

Cán bộ Trạm Y tế xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) tiêm vắc xin cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Trọng Tân - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, theo cảnh báo của các chuyên gia y tế thế giới, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 đến 5 năm một lần, tương tự như các năm dịch trước đây (2014 và 2019). Riêng năm 2014, Việt Nam có gần 21.640 ca mắc sởi và 142 ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra, dịch sởi bùng phát theo chu kỳ là do khoảng trống miễn dịch. Hàng năm, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi của Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đều đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ này vẫn còn một khoảng trống miễn dịch. Năm 2019 (theo chu kỳ bùng dịch sởi), tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 150 ca mắc, các năm tiếp theo, mỗi năm chỉ có rải rác một vài trường hợp mắc sởi.

Tiêm vắc xin sởi để bảo vệ sức khỏe cho trẻ

Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Tân, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ. Giai đoạn ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày, trung bình 10 ngày. Giai đoạn khởi phát từ 2 đến 4 ngày, với các triệu chứng sốt cao, viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt koplik có kích thước nhỏ khoảng 1mm màu trắng xám, có quầng ban đỏ nổi lên trên bề mặt niêm mạc má phía trong miệng. Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 2 đến 5 ngày, thường sau khi sốt cao 3 đến 4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban, ban hồng dát sẫm, khi căng da thì ban biến mất, ban xuất hiện theo thứ tự từ sau tai, gáy, trán, mặt, lan dần xuống thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay, bàn chân. Khi ban mọc toàn thân thì sốt cũng giảm dần. Sang giai đoạn hồi phục, bệnh nhân hết sốt, ban nhạt màu rồi chuyển sang màu xám, bong vảy, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự xuất hiện, ho có thể kéo dài một vài tuần.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp khi hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân khuếch tán trong không khí, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường sống khép kín, những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi thường gây bội nhiễm sau mắc ở các trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, người bị HIV, phụ nữ mang thai. Hầu hết các ca sởi tử vong đều là do biến chứng như: Viêm thanh quản, phế quản, viêm cơ tim, viêm màng não cấp tính, viêm tai giữa, loét hoại tử hàm mặt, gây mù lòa do viêm loét giác mạc, có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non…

Triển khai công tác phòng bệnh, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã giám sát chặt chẽ các trường hợp sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch; các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, tổ chức các đợt tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ, hàng tháng; rà soát, thống kê trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ trên địa bàn, tổ chức tiêm vét đảm bảo đạt tỷ lệ ít nhất 90% ở quy mô xã, phường, thị trấn…

Bác sĩ Huỳnh Trọng Tân khuyến cáo: “Với diễn biến phức tạp của bệnh sởi, việc nâng cao nhận thức và tăng cường tiêm phòng vắc xin sởi là biện pháp tối ưu nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và cộng đồng. Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam tiêm miễn phí vắc xin sởi cho trẻ đủ 9 tháng tuổi và nhắc lại mũi thứ 2 ở 18 tháng tuổi. Trẻ lớn và người lớn có thể tiêm vắc xin sởi tại các điểm tiêm dịch vụ. Bệnh sởi khi tiêm vắc xin hoặc đã bị mắc thì miễn dịch có trong cơ thể rất bền vững. Riêng phụ nữ mang thai có kháng thể sẽ truyền cho con và bảo vệ trẻ từ 6 đến 9 tháng sau khi chào đời”.

C.ĐAN