21:37, 08/07/2024

Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang: Đẩy mạnh can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển

C.ĐAN

Bên cạnh các mảng điều trị đa khoa, gần 1 năm nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Yersin Nha Trang chú trọng phát triển toàn diện mảng can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển từ trị liệu vận động đến trị liệu âm ngữ, giác quan. Qua đó, giúp nhiều trẻ rối loạn phát triển có bước cải thiện đáng kể. 

Nhiều trẻ có sự tiến bộ

Ê-kíp Tổ can thiệp trẻ rối loạn phát triển hướng dẫn trẻ tham gia trò chơi trị liệu về âm ngữ.

Như thường lệ, đến giữa tuần, cháu T.H.A.T (4 tuổi, TP. Nha Trang) được mẹ đưa đến Tổ can thiệp trẻ rối loạn phát triển tại BVĐK Yersin Nha Trang để thực hiện can thiệp theo lịch. Cháu T. được vào phòng trị liệu âm ngữ, cùng ê-kíp của tổ chơi các trò chơi như: Nhìn hình đoán vật, ghép chữ, chỉ màu ở từng mảnh ghép trong tranh… Sau đó, cháu được chuyển sang phòng trị liệu giác quan để tiếp tục được can thiệp. Tại đây, cháu được hướng dẫn chơi các trò chơi leo núi, bập bênh, ổ chim, tắt mở đèn theo màu hình khối... để đánh giá mức độ hòa nhập của cháu sau thời gian điều trị. Chị Trần Thị Hồng Nhung, mẹ của cháu T. cho biết: “Khoảng 3 tuổi, thấy cháu không nói, chỉ thích la hét, hay đập phá đồ nên tôi lên Internet tìm hiểu, nhìn các biểu hiện của cháu giống mắc bệnh tự kỷ nên tôi đưa cháu đi nhiều nơi để khám. Khi biết tại BVĐK Yersin Nha Trang có thực hiện can thiệp, tôi đưa cháu tới đây điều trị. Qua 4 tháng can thiệp tại BV và cùng cha mẹ thực hiện tại nhà theo hướng dẫn của ê-kíp, cháu đã biết đọc tên một số loài vật, trên lớp cũng chịu khó tham gia nhiều hoạt động”.

Cháu N.T.A (3 tuổi, huyện Diên Khánh) được bố đưa đến BVĐK Yersin Nha Trang để đánh giá bệnh. Ở phòng trị liệu âm ngữ, cháu A. được ê-kíp hướng dẫn tham gia một số trò chơi để xác định cháu có tập trung, nhận biết được các con vật, vật dụng xung quanh hay không, có giao tiếp bằng mắt hay chạy nhảy lung tung… Qua đó, ê-kíp xác định loại rối loạn cháu A. mắc phải để có hướng điều trị phù hợp.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Thúy - Phó Khoa Nhi, Tổ trưởng Tổ can thiệp trẻ rối loạn phát triển, BVĐK Yersin Nha Trang cho biết, sau khi đi vào hoạt động gần 1 năm, tổ đã khám, đánh giá, can thiệp cho hơn 100 trẻ bị rối loạn phát triển các thể tự kỷ, ngôn ngữ, hành vi, tăng động giảm chú ý… Trong đó, số trẻ được can thiệp tại BV chiếm gần một nửa. Qua can thiệp, mức độ trẻ có cải thiện và tiến bộ đạt từ 60 đến 80%.

Sẽ tiếp tục hoàn thiện

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thuận - Giám đốc BVĐK Yersin Nha Trang cho biết, qua quá trình khám, điều trị cho bệnh nhi, BV nhận thấy mảng can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển trong tỉnh, cũng như một số tỉnh lân cận chưa có cơ sở y tế nào triển khai can thiệp toàn diện. Do đó, trẻ mắc bệnh lý này, cha mẹ phải đưa đến TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hoặc Hà Nội để điều trị. Nhận thấy những bất cập đó, BV đã đưa nhân lực Khoa Nhi và Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng vào BV Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh để đào tạo theo hình thức cuốn chiếu. Song song đó, BV vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các trang thiết bị để can thiệp cho trẻ. Khi nhân lực, trang thiết bị cơ bản đầy đủ, BV thành lập Tổ can thiệp cho trẻ bị rối loạn phát triển; đồng thời thành lập 3 phòng chức năng để can thiệp toàn diện cho trẻ gồm: Trị liệu âm ngữ, trị liệu giác quan và trị liệu vận động. Hiện nay, các phòng và trang thiết bị để can thiệp cho trẻ tại BV tương đối khép kín, toàn diện. Tuy nhiên, để việc can thiệp đạt chất lượng hơn, BV dự kiến sẽ mở thêm một số phòng; tiếp tục đưa nhân lực đi học chuyên sâu hơn; kết nối với các cơ sở có triển khai can thiệp cho trẻ mắc bệnh lý này trong tỉnh và một số tỉnh lân cận để chuyển trẻ về can thiệp cho gần nhà. Đồng thời, hướng tới đào tạo và hướng dẫn về mặt chuyên môn nếu các cơ sở có nhu cầu.

Trẻ bị rối loạn phát triển chơi các trò chơi trị liệu về giác quan tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang.

Hiện nay, hoạt động thông tin truyền thông được đẩy mạnh nên nhiều phụ huynh đã biết tới căn bệnh này và nhiều người đưa trẻ tới khám sàng lọc. Bác sĩ Phạm Thị Thu Thúy cho biết: “Qua tiếp nhận, trẻ bị tăng động giảm chú ý; rối loạn ngôn ngữ và phổ tự kỷ chiếm nhiều nhất. Trong đó, rối loạn phổ tự kỷ trẻ nam mắc nhiều hơn nữ, nhưng khi nữ mắc bệnh lại nặng hơn nam. Độ tuổi phát hiện và can thiệp tốt nhất cho trẻ là từ 18 tháng tuổi”.

Chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lý và kiên trì giúp trẻ bị rối loạn phát triển có thể phát triển bình thường, hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Vì thế, khi phát hiện con có các dấu hiệu như: Chậm nói, hành động rập khuôn…, phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi tầm soát.

C.ĐAN