Sau thời gian tiếp nhận kỹ thuật điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng phương pháp đốt laser từ Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã có thể thực hiện độc lập kỹ thuật này, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị tại bệnh viện.
Điều trị thành công nhiều trường hợp
Đầu năm nay, bà N.T.M (69 tuổi, phường Phước Tân, TP. Nha Trang) đến BVĐK tỉnh khám với biểu hiện tĩnh mạch giãn nổi rõ trên chân, nặng tức chân, có cảm giác rối loạn kiến bò. Bà M. cho biết, triệu chứng này đã xuất hiện từ lâu, bà từng đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau khi thăm khám, bà M. được chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch chân mức độ C3, chỉ định uống thuốc và mang vớ áp lực chuyên dụng. Tuy đã tuân thủ phác đồ điều trị nội khoa của bác sĩ, nhưng hai chân vẫn còn cảm giác khó chịu nên bà M. được chỉ định tiến hành thủ thuật đốt laser nội tĩnh mạch. Sau đốt, các triệu chứng trên hết hẳn, bà M. không còn tình trạng nặng tức chân, không có cảm giác rối loạn kiến bò như trước.
Do tính chất công việc thường xuyên phải đứng nên bà T.T.B.T (50 tuổi, phường Phước Long, Nha Trang) bị suy giãn tĩnh mạch chân. Thời gian đầu bệnh nhẹ, không có nhiều triệu chứng nên bà T. không để ý. Tuy nhiên, qua thời gian, triệu chứng nặng mỏi chân, đau và tê chân, bị vọp bẻ hai chân về đêm xuất hiện thường xuyên, kèm theo đó là những đám tĩnh mạch nông nổi từ hai cẳng chân lan tới mặt trong dưới đùi. Bà T. đã đi khám, điều trị nội khoa, mang vớ theo hướng dẫn nhưng tình hình không mấy cải thiện; 2 năm gần đây, triệu chứng ngày càng rõ rệt. Biết được thông tin BVĐK tỉnh phối hợp với BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nông ở chân bằng phương pháp đốt laser, bà T. đã tới BV để khám và điều trị dứt điểm bệnh.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Huấn - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK tỉnh, phương pháp này sử dụng dây dẫn laser luồn vào dọc theo lòng tĩnh mạch bị suy giãn, tia laser sẽ tạo ra nguồn năng lượng ở đầu dây dẫn làm xơ lớp bên trong của tĩnh mạch, khiến lòng mạch co lại, dẫn đến teo toàn bộ tĩnh mạch giãn. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật đốt laser, các bác sĩ phải mổ hở để bóc đi toàn bộ tĩnh mạch giãn. Ở phương pháp mới, các bác sĩ chỉ làm chỗ giãn teo lại, xơ hóa, cải thiện hiệu quả tình trạng ứ máu ở chân. Kỹ thuật này khá nhẹ nhàng, chỉ gây tê vùng, không cần gây mê sâu giống như phương pháp phẫu thuật truyền thống, đồng thời xâm lấn tối thiểu. Bệnh nhân chỉ có một vết đâm kim nhỏ ở vị trí luồn dây laser vào lòng tĩnh mạch và không hề đau đớn.
Các bác sĩ thực hiện một ca điều trị giãn tĩnh mạch nông ở chân bằng đốt laser. |
Tiếp nhận nhiều đợt chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên
Theo bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc BVĐK tỉnh, thực hiện chương trình chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, nhiều năm qua, Khoa Ngoại lồng ngực đã tiếp nhận những đợt chuyển giao kỹ thuật can thiệp tĩnh mạch nông chi dưới từ các chuyên gia đến từ BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh với nhiều hình thức: Tổ chức buổi tuyên truyền cộng đồng; khám sàng lọc về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới; tiến hành can thiệp và phẫu thuật bệnh bằng phương pháp đốt laser nội mạch, sóng cao tần, mổ hở, chích xơ tạo bọt... Sau thời gian tiếp nhận, hiện tại, đội ngũ bác sĩ của khoa đã nắm vững, có thể thực hiện tốt những kỹ thuật được chuyển giao, tạo nên một quy trình điều trị khép kín cho những bệnh nhân mắc bệnh lý này.
Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch mạn tính chi dưới bằng laser đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong vài tháng sau điều trị, vùng tĩnh mạch bị đốt bằng laser sẽ xơ teo hoàn toàn hoặc thu nhỏ. Đây là phương pháp có độ an toàn cao và đảm bảo hạn chế xâm lấn, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh, không để lại sẹo, hiệu quả cao. Bác sĩ Huấn cho biết, các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân được tư vấn điều trị theo từng mức độ. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân được tư vấn tập luyện điều trị nội bảo tồn, mang vớ y khoa. Các mức độ nặng hơn tùy vào triệu chứng lâm sàng và kết quả siêu âm, bệnh nhân được áp dụng phương pháp điều trị đốt laser nội, sóng cao tần hoặc mổ hở.
Nhằm nâng cao chất lượng điều trị, mới đây, BVĐK tỉnh thành lập Phòng Khám Ngoại lồng ngực mạch máu tại Trung tâm Dịch vụ y tế, cung cấp thêm nhiều dịch vụ y tế cho bệnh nhân lựa chọn.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chủ yếu gặp ở người trưởng thành (trên 30 tuổi); người béo phì; người có yếu tố di truyền. Suy giãn tĩnh mạch chân lâu ngày nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ để lại một số hậu quả xấu. Đó là những vùng da mỏng, tĩnh mạch giãn nhiều có thể gây nên hiện tượng loét, nếu không được điều trị, chăm sóc cẩn thận rất dễ bị nhiễm trùng da, lở loét da diện rộng. Hậu quả nặng nề nhất là do máu bị ứ đọng lâu dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông này sẽ trôi đi theo dòng máu, chảy về tim; khi về tim có thể gây thuyên tắc động mạch phổi, dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin