Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng xen kẽ những cơn mưa đột ngột đã khiến số bệnh nhi nhập viện tăng cao. Điều đáng nói, trong tổng số trẻ nhập viện, có hơn 50% bị viêm phổi, trong đó có nhiều trẻ đã chuyển nặng.
Nhiều trẻ chuyển nặng
Những ngày gần đây, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn trong tình trạng quá tải, khi số lượng bệnh nhi nhập viện liên tục tăng cao. Hiện tại, Khoa Nhi có 140 giường bệnh, nhưng số lượng bệnh nhi điều trị nội trú lúc nào cũng ở mức hơn 200 bệnh nhân. Riêng khu vực điều trị bệnh hô hấp được bố trí gần 30 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân luôn gần 100 trẻ. Vì thế, 3 - 4 trẻ phải nằm chung một giường. Theo thống kê của Khoa Nhi, hơn 50% số trẻ điều trị tại khoa trong thời điểm này đều bị viêm phổi, trong đó trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi chiếm 70 - 80%. Đáng lo ngại, không chỉ bệnh nhân tăng cao, số ca bệnh nặng phải chuyển sang điều trị tại khu vực hồi sức cấp cứu của khoa cũng tăng so với những tháng trước.
Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi bị viêm phổi nặng. |
Điều trị tại khu vực hồi sức cấp cứu được 3 ngày, sức khỏe bé Mai Hoàng Bảo K. (1 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) đã có những chuyển biến tích cực. Chị Nguyễn Thị X. - mẹ của bé cho biết, trước đó một tháng, thấy bé sổ mũi, gia đình đưa bé đi khám bác sĩ tư và cho thuốc uống. Tuy nhiên, sau đó tình trạng bệnh của bé không giảm nên đưa đi khám lại thì phát hiện bé bị viêm tai giữa. Sau một tuần, thấy bé ho, sốt kéo dài, thở khò khè, lõm ngực nên gia đình đưa bé nhập viện. Khi vào viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng nên được đưa thẳng vào phòng hồi sức - cấp cứu nhi và cho thở máy. Chị X. chia sẻ: “Qua 2 ngày điều trị, sức khỏe bé có tiến triển tốt nên bác sĩ cho bé tập tự thở. Hiện nay, bé thở và bú tốt. Những lần trước bé bệnh, đưa đi khám bác sĩ uống thuốc vài ngày là khỏi nên đợt này tôi chủ quan. Đâu ngờ, bệnh lại chuyển biến nhanh như thế”.
Cùng điều trị, bé Trịnh An N. (1 tháng tuổi, phường Phước Long) được bác sĩ cho chuyển từ thở máy sang tập tự thở. Chị Trần Thị B. - mẹ của bé N. kể, tuần trước, do thấy bé vàng da nên hàng ngày gia đình có cho bé uống vitamin D và ẵm bé phơi nắng lúc sáng sớm. Sau đó, thấy bé sổ mũi, ho, thở khò khè nên gia đình cho bé nhập viện. Vào viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng, phải chuyển thở máy.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thanh Toàn - Phó Trưởng khoa Nhi, từ đầu năm đến nay, số trẻ bị viêm phổi điều trị tại khoa tăng cao, nhất là những tháng gần đây, khi thời tiết mưa, nắng thất thường. So với những năm trước, năm nay, số trẻ bị viêm phổi nhập viện tăng gấp đôi. Trước kia, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 50 trẻ thì hiện nay tăng lên 100 trẻ. Hầu hết trẻ nhập viện là do điều trị ở nhà không đỡ, bệnh kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần. Trong số trẻ nhập viện, chiếm 2 - 3% đã chuyển biến nặng, trong đó có 1% trẻ rất nặng phải thở máy.
Nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ
Bác sĩ Toàn cho biết: “Dưới 3 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh nên khi khí hậu thay đổi liên tục, thất thường trẻ rất dễ mắc bệnh. Nhất là đối với những trẻ sinh non, bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ sống ở môi trường đông đúc, không được tiêm ngừa đầy đủ… Theo ghi nhận tại khoa, tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ đang điều trị tại Khoa Nhi chiếm phần nhiều là do vi rút hợp bào hô hấp (RSV), vi rút Adeno, vi rút Rhino và vi khuẩn phế cầu”.
Bác sĩ Toàn nhấn mạnh, để phòng tránh các biến chứng nặng của bệnh viêm phổi, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ (vắc xin cúm, phế cầu, viêm não, viêm màng não Nhật Bản…). Đồng thời, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu đời, vệ sinh môi trường sống thường xuyên, cho trẻ uống nhiều nước; bổ sung vitamin C cho trẻ để tăng đề kháng, nhất là ở những trẻ sinh non, bị hen phế quản, có tiền sử béo phì, bệnh phổi mãn tính hoặc những bệnh lý mãn tính khác…
Với những trẻ có dấu hiệu sốt, ho, thở khò khè, sổ mũi thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Nếu trẻ có triệu chứng thở nhanh, thở mệt, rút lõm ngực, thở đứt quãng, tiêu chảy, sốt cao không giảm nên cho trẻ nhập viện sớm để giảm những biến chứng nặng. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý, bệnh lây qua đường hô hấp, do đó cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Đặc biệt, cần bảo vệ cho những trẻ có nguy cơ cao, đó là những trẻ còn quá nhỏ, những trẻ có bệnh nền, trẻ mắc chứng khò khè tái đi tái lại, trẻ có bệnh lý suy dinh dưỡng… Bởi những trẻ này nếu mắc viêm phổi sẽ chuyển nặng hơn so với các trẻ khác.
Tháng 7, hơn 1.250 ca mắc bệnh tay chân miệng
Cùng với việc gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ, trên địa bàn tỉnh, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca nặng. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ tháng 1 đến tháng 3, toàn tỉnh ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng dao động từ 15 đến 25 ca/tháng; từ tháng 4 đến tháng 6, số ca mắc tăng vọt lên 40 và gần 270 ca/tháng, có 1 ca tử vong; riêng tháng 7, ghi nhận hơn 1.250 ca (tăng gấp 4 lần so với tháng 6).
So với bệnh tay chân miệng, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ. 4 tháng đầu năm, số ca mắc mỗi tháng toàn tỉnh dao động từ 300 đến 350 ca; từ tháng 5 đến tháng 7, từ 160 đến 240 ca/tháng. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành Y tế, với thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết có khả năng sẽ gia tăng nếu người dân không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng (bọ gậy) và vệ sinh môi trường sống khu vực trong và xung quanh nhà.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin