17:30, 18/07/2023

Nguy cơ hạ đường huyết do thuốc trị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường đã có thuốc điều trị, tuy vậy, cần thận trọng trong quá trình dùng thuốc, bởi có thể có nguy cơ hạ đường huyết do dùng thuốc, nếu không biết xử trí có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đái tháo đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa, bệnh gặp khá nhiều trong cộng đồng, tuy không phải là bệnh lây nhiễm, nhưng được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, số lượng người mắc đang ngày càng tăng nhanh chóng. Vì vậy việc dùng thuốc để kiểm soát đường huyết là một trong những bước rất quan trọng.

Tại sao thuốc có thể gây hạ đường huyết?

Người bệnh đái tháo đường phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhưng khi dùng thuốc để làm hạ đường huyết về mức bình thường, có thể có nguy cơ bị hạ đường huyết xuống dưới mức cho phép. Bên cạnh hạ đường huyết do dùng thuốc, còn có hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường do bỏ hoặc chậm bữa ăn, hoặc không ăn được do nôn, buồn nôn...

Đường huyết (đường gluocose trong máu) tăng hay giảm hay bình thường phụ thuộc vào một chất gọi là insulin. Insulin được tổng hợp ở tế bào beta trong đảo tụy bằng sự hoạt động của bộ máy tổng hợp protein trong tế bào. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu.

Hàng ngày, sau khi chúng ta ăn thì một lượng tinh bột khá lớn sẽ đi vào cơ thể, khi đó chúng sẽ làm tăng sự kích thích đến tế bào beta ở đảo tụy để có thể tiết ra insulin. Insulin sẽ tác động vào các quá trình giữ và dự trữ glucose trong cơ thể và đặc biệt là gan, mô mỡ. Khi nồng độ glucose trong máu cao thì glucose sẽ được dự trữ dưới dạng glycogen ở gan và khi đói, lượng glucose trong sẽ máu giảm, lúc này glycogen ở gan sẽ được biến đổi trở lại thành glucose để tiếp tục đi vào máu, đảm bảo lượng đường trong máu cho cơ thể hoạt động bình thường. Khi người bệnh đái tháo đường dùng insulin (tiêm) hoặc dùng các loại thuốc kích thích tuyến tụy sản sinh insulin, nếu dùng thuốc quá liều (hoặc insulin hoặc thuốc kích thích sản sinh insulin) có thể gây ra hiện tượng hạ đường huyết, lúc này gọi là hạ đường huyết do dùng thuốc.

 

Cần kiểm tra đường huyết đều đặn phòng nguy cơ hạ đường huyết do thuốc.

 

Biểu hiện và cách xử trí

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh thường có những triệu chứng như huyết áp hạ, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh toát, đánh trống ngực, bồn chồn, có cảm giác mệt mỏi rã rời, đói lả, mặt mày choáng váng, giảm thân nhiệt, da tái nhợt, bứt rứt, run, đi không vững... Nặng hơn có thể dẫn tới vô thức, lú lẫn, hôn mê và co giật...

Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết, người bệnh cần nhanh chóng ngừng ngay việc sử dụng các thuốc loại uống hạ đường huyết hoặc insulin. Trường hợp người bệnh ở mức độ nhẹ, vẫn tỉnh táo tự nhận biết được mình bị hạ đường huyết, nên cho uống ngay nước đường hoặc bánh kẹo có đường. Đối với trường hợp nặng bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, không có khả năng nuốt, nếu cho uống thì có thể gây sặc vào đường hô hấp, cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Cách phòng hạ đường huyết do dùng thuốc

Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa (không tự mua, không tự đổi thuốc, đặc biệt không tự tăng liều lượng thuốc).

Luôn ăn, uống theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị (nên chia ra nhiều bữa ăn trong ngày) như nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn và không được quên hoặc bỏ bữa. Ăn nhiều rau có 2 điều lợi, đó là gây cảm giác no đánh lừa dạ dày, hơn nữa đường sẽ hòa trộn với rau sẽ được hấp thu từ từ vào máu và như vậy đường trong máu sẽ không tăng đột ngột sau khi ăn.

Luôn có bên mình bánh, kẹo ngọt hoặc chai nước đường pha thật đặc (để trong một túi nhỏ bên mình) để phòng khi hạ đường huyết sẽ có ngay để sử dụng. Người bệnh hoặc người nhà nên tự kiểm tra đường huyết hàng ngày bằng máy đo đường huyết. Ngoài ra, người bệnh nên vận động cơ thể một cách thường xuyên bằng các động tác nhẹ nhàng (tốt nhất là đi bộ mỗi ngày 60 phút, chia làm 2-3 lần).

Theo Sức khỏe & Đời sống