21:06, 25/05/2023

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa:
Điều trị thành công cho nhiều trẻ bị dị tật tay bẩm sinh

C.ĐAN

Những năm qua, nhờ tiếp nhận các kỹ thuật điều trị từ tuyến trên, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã điều trị thành công cho nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh bàn tay. Qua đó, giúp các trẻ hòa nhập cộng đồng.

Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh cho biết, gần 15 năm nay, Khoa Nhi của BV kết hợp với trung tâm và các khoa khác đã triển khai việc tầm soát trước, trong và sau sinh nhằm phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Qua đó, giúp trẻ được điều trị và phục hồi sớm. Trong số các dị tật bẩm sinh trung tâm tiếp nhận, dị tật bàn tay ở trẻ chiếm tỷ lệ cao. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ trẻ đến khám và được phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến dị tật tay bẩm sinh tăng 30% so với trước. Bình quân mỗi năm, trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng 100 ca.

Vừa được sinh ra, bàn tay phải của bé N.T.M.Q (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) có ngón giữa và áp út bị dính vào nhau. Sau khi được các bác sĩ tư vấn, gần 2 tuổi, bé được gia đình đưa vào Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng để điều trị. Các bác sĩ đã phẫu thuật tách ngón chuyển vạt da, kết hợp vá da toàn bộ phần ngón tay được tách. Sau phẫu thuật, kết hợp với tập vật lý trị liệu, chức năng các ngón tay của bé được phục hồi. Đầu năm 2023, bé T.N.T (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) được mẹ đưa vào BVĐK tỉnh để điều trị dị tật thừa ngón tay cái bẩm sinh ở bàn tay trái. Sau khi thăm khám, các bác sĩ của trung tâm đã tiến hành cắt bỏ ngón thừa, giữ lại ngón cái có chức năng tốt hơn, tạo hình chức năng và thẩm mỹ cho bé. Sau phẫu thuật, bé được nẹp bột qua khuỷu tay để cố định ngón cái, theo dõi chăm sóc chặt chẽ, tập phục hồi chức năng. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, mẹ của bé T. kiên trì tập vật lý trị liệu cho con. Sau 6 tháng, ngón tay cái của bé cử động và thực hiện các chức năng nhuần nhuyễn. 

Các dị tật bẩm sinh bàn tay thường gặp, gồm: Dị tật dính ngón tay; dị tật thừa ngón; ngón cái tách đôi; thiểu sản ngón tay cái (thiếu ngón cái hoặc ngón cái không thực hiện được các chức năng); đốt ngón tay ngắn; hội chứng vòng thắt bẩm sinh ở phần trên của bàn tay, cẳng tay, cánh tay (ở dị tật này, những vòng thắt sâu có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ hoặc cụt chi tự nhiên). 

Phẫu  thuật ca  trẻ bị dị tật bẩm sinh tay  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Phẫu thuật cho trẻ bị dị tật tay bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cần kết hợp tập vật lý trị liệu đúng cách

Bác sĩ Phạm Đình Thành cho biết: “Đối với mỗi trường hợp dị tật bẩm sinh tay, căn cứ vào loại dị tật, mức độ và tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị đúng, phù hợp, hiệu quả. Có trường hợp chỉ phẫu thuật tạo hình đơn giản, nhưng nhiều trường hợp phải phẫu thuật tạo hình phức tạp, thậm chí phải sử dụng đến kỹ thuật vi phẫu”. Độ tuổi tốt nhất điều trị dị tật tay bẩm sinh cho trẻ là từ 1 đến 5 tuổi, có một số dị tật phải thực hiện sớm hơn. Ở độ tuổi này, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao. Việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu các di chứng và các dị tật cho trẻ. Nếu để trẻ lớn mới điều trị thì việc điều trị, phẫu thuật sẽ khó hơn, nguyên nhân là do xương, gân ở trẻ lớn cứng nên việc chỉnh hình khó. Chưa kể, khi điều trị trễ, bé dễ bị mặc cảm khi đến trường và sẽ khó khăn hơn trong việc hòa nhập cộng đồng. Có những trường hợp khó, trẻ phải phẫu thuật nhiều lần mới thành công.

Thông thường sau mổ, các bệnh nhi sẽ được hướng dẫn mang nẹp, đai và thực hiện vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng ở bộ phận được phẫu thuật. Ở giai đoạn này, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, tập các động tác để trẻ phục hồi lại các chức năng của khớp. Nếu thực hiện không đúng hướng dẫn và thiếu kiên trì, trẻ rất dễ bị tái lại. Đặc biệt, đối với những trường hợp trẻ bị dị tật tay bẩm sinh có mắc thêm bệnh bại não càng đòi hỏi sự kiên trì của phụ huynh.

Bác sĩ Thành khuyến cáo, dị tật bẩm sinh bàn tay sau mổ có những vấn đề, như: Dễ cứng khớp, cứng tay, dính gân do co rút phần sẹo nếu không thực hiện tập vật lý trị liệu sớm. Hậu quả có thể là bị tái lại, hoặc mất luôn chức năng của bàn tay. Hiện nay, có tình trạng sau phẫu thuật, việc tập vật lý trị liệu ít được phụ huynh kiên trì thực hiện hoặc thực hiện không đúng động tác theo hướng dẫn. Do đó, tỷ lệ bị tái lại ở những trẻ này chiếm tới 90%. Để tránh tình trạng này, phụ huynh nên đưa trẻ tới các trung tâm phục hồi chức năng để luyện tập.

Bác sĩ chuyên khoa II PHAN HỮU CHÍNH - Giám đốc BVĐK tỉnh: Trong chiến lược phát triển của BV, có định hướng nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Vì thế, thời gian qua, BV đã đưa nhiều bác sĩ đi đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật tuyến trên điều trị các bệnh lý về nhi. Trong đó, có điều trị các dị tật bẩm sinh nói chung và dị tật bẩm sinh tay, chân cho trẻ nói riêng. Cùng với đó, BV thường xuyên hợp tác với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực chỉnh hình nhi ở TP. Hồ Chí Minh để hàng tháng, quý phối hợp với BV thực hiện phẫu thuật những ca khó ngay tại BV.

C.ĐAN