Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, khu vực vùng ven TP. Nha Trang, nhất là khu vực phía tây Nha Trang xảy ra tình trạng hễ mưa là ngập, nhưng nước rút rất chậm; nước ngập sâu dù mưa không lớn và kéo dài. Để khắc phục tình trạng này cần nhiều giải pháp và nguồn lực lớn...
Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, khu vực vùng ven TP. Nha Trang, nhất là khu vực phía tây Nha Trang xảy ra tình trạng hễ mưa là ngập, nhưng nước rút rất chậm; nước ngập sâu dù mưa không lớn và kéo dài. Để khắc phục tình trạng này cần nhiều giải pháp và nguồn lực lớn...
Năm nào cũng ngập lụt
Chỉ trong tháng 11, mưa lớn đã khiến hàng nghìn căn nhà ở vùng ven các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc… bị ngập nặng đến 2 lần. Ông Trần Văn Hà (xã Vĩnh Hiệp) cho biết, trước đây, khu vực Vĩnh Hiệp cũng như các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung… đa số là đồng lúa trũng nên mỗi lần ngập thì nước rút rất nhanh. Còn bây giờ, nhiều người đổ đất san nền khiến nước không có chỗ thoát. Một số con đường nâng cao cốt đường nhưng không làm cống để thoát ra sông khiến nước ứ đọng, biến khu vực phía tây Nha Trang thành rốn lũ.
Ngày 3-12, chị Phan Thảo Ngân (thôn Phú Trung 2, xã Vĩnh Thạnh) vẫn đang hì hục dọn dẹp nhà cửa vì nước mới rút sau cơn mưa lớn ngày 30-11. Đây là lần thứ 2 trong vòng hơn nửa tháng nhà chị bị ngập nước sau vài ngày mưa lớn. Chị Ngân kể, chiều 30-11, mưa lớn, nhưng cả xóm đều “bình chân như vại”. Đến khoảng 20 giờ, mọi người bất ngờ vì nước đã ngập trong nhà khoảng 30cm, nhà nào thấp thì nước trong nhà đến 1m, tương đương nước ngoài hẻm cao đến 1,5m.
Nhớ lại những ngày mới mua đất xây nhà ở đây vào năm 2014, chị Ngân cho biết: “Lúc đó cả xóm chỉ có vài hộ, dân cư thưa thớt, nhưng giờ lên đến hàng trăm hộ, tìm mỏi mắt mới thấy vài lô đất trống. Khi xây nhà, tôi tôn nền nhà cao hơn 20cm so với mực nước lũ cao nhất thời điểm đó. Đến năm 2016, sau nhiều ngày mưa lớn liên tục thì nước chạm đến nền nhà. Từ đó đến nay, năm nào cũng bị ngập, mỗi năm cao hơn một chút…”.
Chị Lê Ngọc Hảo (thôn Phú Vinh 2, xã Vĩnh Thạnh) cho biết, tuy năm nào mưa cũng bị ngập nhưng tối 30-11, nước lên nhanh khiến gia đình chị không kịp trở tay. Toàn bộ máy giặt, tủ lạnh, xe máy đều bị nước vào, hư hại. Nhiều gia đình trong xóm còn bị ngập nặng hơn, hỏng hết đồ đạc trong nhà. Chị Hảo đến khu vực này mua đất, xây nhà vào năm 2015 thì từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng ngập, năm sau ngập sâu hơn năm trước. “Tôi không hiểu vì nguyên nhân gì mà nhiều công trình kè sông, khơi thông dòng chảy, hệ thống thoát nước… được đầu tư nhưng nhà dân thì ngày càng bị ngập nặng. Vài năm nữa, những khu đất trống được xây dựng nhà cửa thì tình trạng ngập còn nặng hơn. Tôi cho rằng, việc điều tiết xả lũ từ các hồ chứa nước là nguyên nhân chính gây ngập lụt, nhưng nguyên nhân sâu xa là do việc xây dựng tràn lan, cản trở dòng chảy”, chị Hảo cho hay.
Hạ tầng không đảm bảo
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ thời điểm năm 2015 đến năm 2020, trên địa bàn các xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái… có hàng trăm khu vực chuyển đổi mục đích từ đất lúa sang đất ở nông thôn. Có hàng nghìn nền đất ở được mua bán, kéo theo đó là hàng trăm căn nhà mọc lên trên những khu đất có đường giao thông tự làm (theo mô hình hiến đất làm đường) chỉ 3-4m, không có hệ thống thoát nước.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến khu dân cư ở thôn Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hiệp) nằm chơi vơi giữa một bên là đồng lúa, một bên là đường tàu. Người dân ở đây cho biết, toàn bộ khu vực này trước kia đều là đất ruộng. Năm 2014, một đại gia đứng ra mua gom hết khu đất, xin chuyển mục đích sử dụng thành đất ở nông thôn, rồi phân lô, bán nền. Năm 2015, có vài hộ dân đến đây xây dựng, tự kéo điện, nước để ở. Đến nay, khu vực này đã xây kín với hàng trăm nhà dân. Tại xã Vĩnh Ngọc, khu dân cư Hòn Nghê ở thôn Xuân Ngọc cũng được hình thành tương tự. Đường nhỏ hẹp, không được đầu tư hệ thống thoát nước, không kết nối với hạ tầng xung quanh, vì vậy mỗi khi mưa lớn là các khu vực này xảy ra tình trạng “dễ ngập, khó rút”.
Theo ông Phan Việt Hoàng - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, hơn 5 năm trước, giá đất tại các xã ven TP. Nha Trang chỉ từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/m2 nên rất phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người dân. Phần lớn quỹ đất này là của người dân trong khu vực được chuyển đổi mục đích sử dụng, tách thửa ra bán. Sau thời gian ngắn, tại các xã vùng ven, nhất là khu vực phía tây Nha Trang đã hình thành nhiều khu dân cư mới. Những khu đất này trước đây là đất nông nghiệp nên địa hình vốn thấp, cộng thêm tác động bê tông hóa giao thông nông thôn ngày càng nhiều làm cho khu vực hay xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn. “Tuy nhiên, việc ngập lụt ở các xã vùng ven không thể đổ lỗi hết cho phân lô, bán nền. Công bằng mà nói, ngập lụt là do 4 nguyên nhân: Khu vực là vùng trũng; hạ tầng chưa hoàn chỉnh; phân lô bán nền hình thành khu dân cư tự phát; xả lũ điều tiết chưa hợp lý”, ông Hoàng cho hay.
Đâu là giải pháp
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tiến Vĩnh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho rằng, tình trạng phân lô bán nền hình thành các khu dân cư tự phát chỉ là một trong những nguyên nhân khiến khu dân cư các xã vùng ven, nhất là các xã phía tây Nha Trang bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Thực tế, cao độ hiện trạng các khu dân cư phía tây Nha Trang thấp hơn mực nước lũ sông Cái mỗi khi hồ Suối Dầu và hồ Am Chúa xả lũ điều tiết nước. Vì vậy, ngập lụt là điều tất yếu khi xả lũ và mực nước sông Cái cao hơn cốt nền của khu dân cư.
Theo ông Vĩnh, các khu dân cư hiện trạng từ xưa đến nay luôn bị ngập khi có lũ. Nếu đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền trên cốt lũ như Khu đô thị Mỹ Gia, Khu đô thị Phúc Khánh 1 và 2 thì sẽ không xảy ra tình trạng ngập lụt. Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch cho các khu vực dân cư hiện trạng tại các xã phía tây Nha Trang cần phải có nguồn lực và thời gian, vì nguồn ngân sách của thành phố còn hạn chế; cần có sự hỗ trợ của ngân sách tỉnh và xã hội hóa đầu tư.
Để giải quyết tình trạng ngập úng ở phía tây Nha Trang, cần nạo vét đoạn sông Tắc từ cầu Phú Vinh đến cầu Lùng để nước thoát nhanh về cửa sông Quán Trường. Bên cạnh đó, phải khơi thông và mở rộng đoạn nối sông Tắc và sông Quán Trường. Thành phố đang quy hoạch phía tây Nha Trang, trong đó dự kiến có một con sông đào nối sông Tắc với sông Cái. Qua đó, sẽ giúp nước lũ thoát nhanh ra biển, rút ngắn thời gian ngập úng các khu dân cư hiện trạng. Tuy nhiên, về lâu dài, các khu dân cư chỉ không bị ngập khi được đầu tư xây dựng hạ tầng cao hơn mực nước lũ. Vì vậy, ông Vĩnh cho rằng, cần xem lại việc điều tiết xả lũ của các đơn vị vận hành hồ chứa nước. Tình trạng xả nước với lưu lượng lớn khi triều cường và mưa lớn sẽ làm nước lũ dâng nhanh, người dân không trở tay kịp.
VĂN KỲ