Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án phát triển tỉnh, hiện nay, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đã được Trung ương cấp vốn để khởi công xây dựng. Ban đang thực hiện các thủ tục đấu thầu để khởi công vào ngày 25-9.
Theo lãnh đạo Ban quản lý (BQL) dự án phát triển tỉnh, hiện nay, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đã được Trung ương cấp vốn để khởi công xây dựng. Ban đang thực hiện các thủ tục đấu thầu để khởi công vào ngày 25-9.
Dự án nhiều kỳ vọng
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008, nhưng do không bố trí được vốn nên đến nay vẫn chưa được khởi công xây dựng. Mới đây, dự án đã được Trung ương cấp 212 tỷ đồng từ nguốn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn đầu tư dự án là 759,5 tỷ đồng, gồm nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh.
Lãnh đạo BQL dự án phát triển tỉnh cho biết, từ trước đến nay, việc ngăn chặn xâm nhập mặn từ biển vào dòng sông Cái được thực hiện bằng đập ngăn mặn tạm tại cầu Vĩnh Phương. Đập này được làm bằng các rọ đá xếp chồng lên nhau, xây dựng tạm bợ nên thường xuyên phải gia cố và không đảm bảo nhiệm vụ đề ra. Vào mỗi mùa khô hạn, sông Cái bị xâm nhập mặn nghiêm trọng do nước từ biển tràn lên, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cũng như tiêu thoát cho địa bàn huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang. Chính vì vậy, công trình Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được nhân dân và chính quyền kỳ vọng rất nhiều.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc BQL dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang có mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa theo hiện trạng; đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 dân TP. Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh; nước cho hoạt động du lịch; đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ 2.000ha sản xuất nông nghiệp 2 bên bờ sông và nước sản xuất cho Nhà máy Sợi Nha Trang. Ngoài ra, dự án còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường vành đai 2, cải thiện điều kiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TP. Nha Trang. Dự án sẽ góp phần quan trọng để giữ mực nước, cải tạo môi trường sinh thái và phục vụ giao thông đường thủy, phát triển du lịch dọc sông Cái; điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía tây và nam thành phố.
Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa
Theo lãnh đạo BQL dự án phát triển tỉnh, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu, nối khu dân cư hiện hữu thuộc phường Ngọc Hiệp qua đường Ngô Đến. Đây là công trình đa mục tiêu, gồm: Xây dựng đập ngăn mặn dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van clape trục dưới, có âu thuyền, phía trên bố trí cầu giao thông. Cụ thể, đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi lanh thủy lực; dầm đỡ van được bố trí nối giữa 2 trụ pin, trụ pin được xử lý nền cọc khoan nhồi; xử lý chống thấm dưới đáy sông bằng cừ ván thép dài 12 đến 15m; đáy sông thượng lưu và hạ lưu được gia cố bằng rọ đá dày 50cm.
Một công trình quan trọng của dự án này là âu thuyền được bố trí ở bờ hữu, kết cấu bê tông cốt thép có chiều dài 67m, chiều ngang 7m. Cửa van 2 đầu âu thuyền là loại cửa phẳng trục đứng, đóng mở bằng xilanh thủy lực. Cầu giao thông trên đập gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, khổ rộng 26m, được thiết kế 2 chiều, có tổng chiều dài 400m bao gồm cả đường dẫn 2 đầu cầu.
Ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết, BQL dự án phát triển tỉnh đang thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định để kịp thời khởi công vào ngày 25-9. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. “Dự kiến cuối năm 2022, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, sau đó sẽ tháo dỡ đập ngăn mặn tạm ở cầu Vĩnh Phương. BQL đang xác minh nguồn gốc đất để trình phương án bồi thường đối với 33 thửa đất phải thu hồi; có 11 hộ phải tái định cư, dự kiến đưa về Khu tái định cư Ngọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang”, ông Nhân nói.
VĂN KỲ