Sau hơn 10 năm sử dụng, bãi rác Dốc Đỏ (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã quá tải và ô nhiễm trầm trọng. Huyện đang kiến nghị tỉnh cho phép chôn lấp rác tại khu vực quy hoạch bãi rác mới (thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát).
Sau hơn 10 năm sử dụng, bãi rác Dốc Đỏ (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã quá tải và ô nhiễm trầm trọng. Huyện đang kiến nghị tỉnh cho phép chôn lấp rác tại khu vực quy hoạch bãi rác mới (thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát).
Không còn chỗ chôn lấp
Hiện nay, bãi rác Dốc Đỏ đang quá tải, không còn chỗ để chôn lấp. Tiếp cận bãi rác, phóng viên ghi nhận rác tràn ra ngoài miệng hố, vương vãi khắp nơi, từ bụi bờ, lùm cây đến đường giao thông. Không chỉ thế, tình trạng rác thải vứt bỏ trên đường vẫn chưa được khắc phục. Bà Phan Thị Khuyến - nhà gần bãi rác cho biết, những người dân sống cạnh bãi rác ngày càng khó chịu bởi mùi hôi, mùi khói khét lẹt mỗi khi đơn vị quản lý tiến hành đốt rác.
Ông Đoàn Quang Cảnh - Chủ tịch UBND xã Cam An Nam cho rằng, việc xử lý bên trong bãi rác là trách nhiệm của đơn vị xử lý, bên ngoài là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Hiện nay, huyện đã giao phần đường phía bắc bãi rác cho xã Cam Hiệp Nam, phía nam là Cam An Nam. Xã thường xuyên mua dầu đốt rác, không để tình trạng rác ứ đọng gây hôi hám.
Trao đổi với ông Phạm Thành Mai - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn - đơn vị xử lý rác tại bãi rác Dốc Đỏ, được biết hiện nay, bãi rác không còn chỗ chôn lấp rác do mưa lũ các năm khiến đất đai trong khu vực bị sạt lở, nhiều nơi biến thành vùng trũng, ngập nước. Diện tích quy hoạch 5ha trước đây nay chỉ còn 1ha. Lượng rác đổ về ngày càng lớn, theo hợp đồng là 42 tấn/ngày nhưng nay đã tăng lên 60 tấn/ngày vì phát sinh thêm nhiều khu, cụm dân cư, kể cả Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh. Ngoài ra, huyện không cho phép đốt rác những ngày trong tuần bởi lo ngại ô nhiễm, buộc đơn vị phải đốt rác tập trung trong 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật, là thời gian học sinh nghỉ học nên rác càng ứ đọng. “Chúng tôi rất chật vật để kiếm chỗ chôn lấp. Ngày nào đơn vị cũng huy động máy ủi san lấp mặt bằng, nhưng máy ủi không vào được vì nền đất yếu, ngập nước. Bên cạnh đó, vào thời điểm hợp đồng, giá xử lý rác chỉ có 67.000 đồng/tấn, hiện nay chi phí tăng gấp nhiều lần, nhưng không được xem xét, nâng giá. Khó khăn quá, chúng tôi thuê đơn vị xử lý rác bằng chế phẩm nhưng họ đưa ra giá quá cao, tương đương giá thành xử lý nên chúng tôi không kham nổi”, ông Mai nói.
Kiến nghị đầu tư bãi chôn lấp mới
Theo lãnh đạo huyện Cam Lâm, sau hơn 10 năm thành lập huyện, bãi rác Dốc Đỏ đã quá tải bởi sự xuất hiện của nhiều khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch trên địa bàn. Tại thời điểm đó, theo thống kê lượng rác toàn huyện chỉ 7 - 8 tấn/ngày nhưng hiện nay tăng gấp 7 - 8 lần. Huyện nhiều lần kiến nghị tỉnh có hướng giải quyết. Tỉnh đã quy hoạch nhà máy xử lý rác tại thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát với quy mô 80ha làm nơi xử lý rác liên huyện (Nha Trang, Cam Lâm, Diên Khánh) và kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án đầu tư nào thành công. Bãi rác Dốc Đỏ vẫn tiếp tục gồng mình gánh toàn bộ rác thải của huyện.
Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, trước mắt huyện sẽ trích kinh phí làm đường, san ủi, mở rộng diện tích bãi rác Dốc Đỏ - những nơi còn có thể tiếp tục mở rộng - để phục vụ việc chôn lấp. Huyện cũng đã kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án xử lý rác chậm tiến độ tại thôn Khánh Thành Bắc. Đồng thời, cho phép huyện đền bù, giải tỏa các hộ trong khu vực để lập đề án xây dựng bãi chôn lấp mới tại khu vực này với quy mô ban đầu khoảng 20ha, tạm thời giải quyết khủng hoảng tại bãi rác Dốc Đỏ. Xung quanh kiến nghị của doanh nghiệp Trường Sơn, lãnh đạo huyện cho biết cần thực hiện theo hợp đồng cho đến khi ký hợp đồng mới sẽ tính toán cho phù hợp.
V.L