Thời gian qua, người dân phản ánh cơ sở nấu nhôm An Nguyên tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh) do ông Trần Văn Trinh làm chủ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống. Hiện nay, cơ sở khẩn trương khắc phục sau khi có chỉ đạo của huyện.
Thời gian qua, người dân phản ánh cơ sở nấu nhôm An Nguyên tại xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) do ông Trần Văn Trinh làm chủ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống. Hiện nay, cơ sở khẩn trương khắc phục sau khi có chỉ đạo của huyện.
Hoạt động thủ công
Những ngày sau Tết, người dân thôn Cây Sung, xã Diên Tân, khu vực giáp ranh xã Diên Thọ bức xúc vì cơ sở nấu nhôm hoạt động trở lại. Hàng ngày, khói bốc lên đen đặc, gió tạt về khu dân cư khiến người dân ngột ngạt khó chịu. Bà Nguyễn Thị Mai (thôn Cây Sung) cho biết, thời gian qua, để bảo vệ sức khỏe cho các cháu nhỏ, bà phải đưa các cháu về ngoại ở khu vực khác.
Người dân trong khu vực cho hay, ông Trinh hoạt động tái chế phế liệu không chỉ vào chiều tối, đêm mà cả ban ngày. Sự việc này diễn ra đã 2 năm nay nhưng chưa được giải quyết rốt ráo. “Người dân đã phản ánh với xã, huyện thông qua tiếp xúc cử tri nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Khói từ kim loại nóng chảy rất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, người dân rất mong các cấp chính quyền xử lý dứt điểm”, ông Phan Văn Huấn (thôn Cây Sung) kiến nghị.
Tiếp cận cơ sở, chúng tôi thấy hàng chục tấn phế liệu là vỏ lon bia, nước ngọt chất thành đống trong kho. Tại khu vực nấu nhôm, công nhân làm việc liên tục. Tiếng là cơ sở nấu nhôm và tái chế kim loại nhưng phương pháp làm hoàn toàn thủ công, công nhân không có bảo hộ chuyên dụng. Nhôm từ vỏ lon các loại đưa vào lò nóng đốt bằng than đá, sau khi nóng chảy được múc ra đổ vào khuôn. Sau đó để nguội lấy ra bán cho các đơn vị có nhu cầu. Ông Trinh cho biết, thời gian qua, việc hoạt động có trục trặc do bão số 12 năm 2017 làm hỏng ống khói ảnh hưởng việc dẫn khói lên cao. Gần đây, mô tơ điện đẩy khói vào hệ thống lọc bị cháy do quá tải. Cơ sở vừa lắp đặt hệ thống điện 3 pha chuẩn bị đưa vào hoạt động, những ngày tới sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Cần giám sát chặt chẽ
Thực hiện chỉ đạo của huyện, mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các xã liên quan kiểm tra cho thấy, cơ sở sản xuất nhôm An Nguyên của hộ kinh doanh Trần Văn Trinh được Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 30-3-2016. Ngành nghề kinh doanh là tái chế, mua bán phế liệu, kim loại, phi kim loại. Hộ đã được UBND huyện Diên Khánh cấp giấy xác nhận số 2564 ngày 9-8-2016 Đề án Bảo vệ môi trường đơn giản của xưởng tái chế nhôm. Theo đó, xưởng có công suất 681 tấn/năm, nguyên liệu là vỏ lon bia, nước ngọt tiêu thụ mỗi tháng 40 tấn, nhiên liệu đốt là than đá 4 tấn/tháng.
Quá trình sản xuất, khí thải phát sinh được dẫn vào ống, qua túi lọc khí rồi thoát ra ống khói cao 1,5m thải ra ngoài. Tuy nhiên, theo đề án được duyệt, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất được xử lý bằng hệ thống phun sương để thu hồi bụi, khí, ống khói cao 15m. Cặn nhôm và chất xỉ còn lại được vớt qua bể làm mát để thu hồi cặn nhôm. Cặn và xỉ than được thu hồi số lượng lớn cho nhà vườn bón cây. Nước thải được bơm tuần hoàn tái sử dụng không thải ra môi trường. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã hướng dẫn xã Diên Thọ xử phạt cơ sở vì thực hiện không đúng các nội dung đề án đã được xác nhận, đồng thời yêu cầu cơ sở phải thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ.
Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở đang khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách tái khởi động hệ thống lọc. Tuy nhiên, vấn đề này cần được giám sát chặt chẽ và đánh giá của ngành chức năng để đạt các chỉ số môi trường. Việc thu hồi cặn xỉ bằng thủ công có khả năng lẫn lộn nhiều kim loại, sau đó đưa cho nhà vườn bón cây sẽ làm tăng nguy cơ đầu độc đất nên cần phải xem xét, ngăn chặn.
P.LÂM