05:03, 30/03/2017

Do nước thải từ Nhà máy Đường Khánh Hòa

Ngày 29-3, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân khiến cho thủy sản trong đầm Thủy Triều và thủy sản của người nuôi trong đầm bị chết từ ngày 12 đến 14-3 là do hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa ...

Ngày 29-3, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân khiến cho thủy sản trong đầm Thủy Triều và thủy sản của người nuôi trong đầm bị chết từ ngày 12 đến 14-3 là do hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa thuộc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa (đóng tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) bị sự cố khiến nước thải chưa qua xử lý tràn ra đầm làm ô nhiễm môi trường (Báo Khánh Hòa số ra ngày 15-3 đã có bài phản ánh).

 

Thủy sản tự nhiên đầm Thủy Triều chết hàng loạt sau sự cố của Nhà máy Đường Khánh Hòa (ảnh chụp ngày 14-3)
Thủy sản tự nhiên đầm Thủy Triều chết hàng loạt sau sự cố của Nhà máy Đường Khánh Hòa (ảnh chụp ngày 14-3)


Qua kiểm tra của sở cho thấy, đêm 12-3, một mẻ đường của Nhà máy Đường Khánh Hòa bị cháy làm cho hệ thống xử lý nước thải của nhà máy quá tải, khiến COD tăng cao dẫn đến men vi sinh trong hệ thống xử lý nước thải bị chết. Thay vì ngừng sản xuất để khắc phục, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động trong khi van bơm nước thải vào các hồ chứa bị đóng nên nước thải tràn vào mương thoát nước mưa của nhà máy chảy ra đầm Thủy Triều. Do nước thải chưa qua xử lý chảy ra môi trường có hàm lượng coliform vi sinh vật vượt 6 - 7 lần cho phép (một số nơi gần cửa xả có đến hơn 10.000 vi sinh vật trên 100ml nước), làm cho nước bị thiếu ô xy khiến thủy sản trong đầm bị chết. Cũng trong đêm 12-3, các hộ nuôi trồng thủy sản ở đầm Thủy Triều không biết nước bị ô nhiễm nên lấy nước từ đầm vào hồ nuôi thủy sản khiến ốc hương, tôm, cá chẽm chết hàng loạt.


Đến sáng 13-3, Sở Tài nguyên và Môi trường vào làm việc với nhà máy và yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động 10 ngày để khắc phục sự cố. Trước yêu cầu của các ngành chức năng, nhà máy đã tiến hành lấp toàn bộ các cửa xả nước ra đầm Thủy Triều; đầu tư thêm 1 hồ chứa có lót bạt chống thấm khoảng 4.000m3 nước thải để xử lý vi sinh, bơm toàn bộ nước thải chưa qua xử lý vào hồ này. Nhà máy chi hơn 3 tỷ đồng mua chế phẩm sinh học của Mỹ; mời các chuyên gia, nhà khoa học từ TP. Hồ Chí Minh ra cải tạo hệ thống xử lý nước thải. Với sự nỗ lực của nhà máy, đến ngày 28-3, hệ thống xử lý nước thải đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chất lượng nước sau xử lý vẫn chưa đạt chuẩn loại A nên chưa thể thải ra môi trường. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cử cán bộ túc trực 24/24 giờ để theo dõi và cùng với nhà máy xử lý vụ việc, đến khi nào nước đạt chuẩn mới cho thải ra môi trường và cho nhà máy hoạt động trở lại. Theo nhận định của nhà máy và các nhà khoa học, phải đến đầu tháng 4-2017 việc xử lý nước thải của nhà máy mới đạt chuẩn và nhà máy mới có thể hoạt động trở lại.


Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục tiến hành quan trắc môi trường nước trong đầm Thủy Triều để kiểm soát. Tính đến ngày 29-3, nước trong đầm không còn ô nhiễm về kim loại, chất thải rắn. Tuy nhiên, ô nhiễm vi sinh vẫn còn cao hơn quy chuẩn quốc gia về môi trường. Do đó, sở đã gửi kết quả mẫu phân tích nước trong đầm Thủy Triều cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân cách lấy nước và xử lý để tránh thủy sản nuôi không bị chết.


Ông Sơn cho biết: “Hiện nay, sở đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo kết luận chính thức trình UBND tỉnh có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Mức độ sai phạm đến đâu sẽ tham mưu xử lý đến đó. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà máy đền bù thiệt hại cho người dân”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã vào công bố nước trong đầm đã đạt chuẩn nên đã thông báo cho người dân lấy nước vào ao hồ nuôi thủy sản. Xã cũng đã tiếp nhận đơn khiếu nại của 21 hộ có thủy sản bị chết vì lấy nước bị ô nhiễm do Nhà máy Đường Khánh Hòa thải ra. Tuy nhiên, qua xem xét chỉ có 18 hộ có kê khai đầy đủ diện tích thiệt hại, còn 3 hộ không kê khai diện tích thiệt hại. Theo 18 đơn này thì tổng diện tích thiệt hại khoảng 6,8ha nuôi: ốc hương, cá mú, cá chẽm, ghẹ, tôm với số tiền thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng. Nhà máy Đường Khánh Hòa cũng đã có văn bản đề nghị phối hợp với xã, huyện trực tiếp đến từng hộ để kiểm tra, xác minh thiệt hại của bà con. Còn về kiến nghị đền bù thiệt hại cho người dân, xã mới chỉ thực hiện thống kê, báo cáo cho huyện để báo cáo UBND tỉnh đưa ra hướng xử lý.


Nhóm phóng viên