Trước thực trạng nguồn lợi đang cạn kiệt bởi hoạt động quá mức của các nghề khai thác thủy sản cấm, việc thiết lập Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu là điều cần thiết.
Trước thực trạng nguồn lợi đang cạn kiệt bởi hoạt động quá mức của các nghề khai thác thủy sản cấm, việc thiết lập Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu là điều cần thiết.
Cạn kiệt đầm Nha Phu
Khu vực đầm Nha Phu có diện tích khoảng 7.000ha, bao quanh phần đất liền của 7 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang. Trước đây, đầm Nha Phu được đánh giá có đa dạng loài thủy sản, bãi đẻ của nhiều loài với bãi thảm cỏ biển, rạn san hô rộng lớn… Mấy năm trở lại đây, đầm Nha Phu đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do hoạt động khai thác quá mức của các nghề cấm như: đăng nò, lờ dây, giã cào…
Một người dân thôn Ngọc Diêm chuẩn bị lờ dây cho chuyến ra đầm Nha Phu khai thác thủy sản |
Tại vùng đầm giáp ranh giữa xã Ninh Lộc và Ninh Phú có hàng trăm giàn đăng nò; khu vực mặt nước xã Ninh Lộc dày ken, không còn lối cho ghe thuyền đi vào đánh bắt. Mỗi giàn đăng là một chiếc bẫy lớn, há miệng gom tất cả các loại thủy sản lớn nhỏ trong đầm. Việc sử dụng hình thức đánh bắt này khiến sản lượng thủy sản trên đầm bị sụt giảm nghiêm trọng. Ngư dân Trần Thanh Phát (thôn Lệ Cam, Ninh Phú) cho biết, người làm nghề đăng nò chủ yếu ở thôn Tân Thủy (xã Ninh Lộc) và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích).
Trong khi đó, ông Võ Vinh Quang (thôn Lệ Cam) cho biết: “Nghề cào sò của người dân Ninh Lộc, Ninh Ích cũng góp phần tận diệt thủy sản và hủy hoại môi trường đầm. Ban ngày, tại khu vực Cồn Ngao và một số khu vực khác trong đầm luôn có từ 10 - 15 chiếc ghe, tàu cào sò, ban đêm khoảng 50 chiếc. Điều đáng nói, việc các tàu cào sò hoạt động trên vùng cấm đã khiến người dân thiệt hại đủ đường. Mấy vụ liền người dân nuôi vẹm xanh đều thất bại do nguồn nước bị ô nhiễm, thậm chí các ghe cào sò còn xâm phạm các bè nuôi làm đổ ngã các trụ nuôi vẹm. Ngoài ra, việc cào sò cũng khiến việc lấy nước cho các hồ nuôi tôm, ốc gặp khó khăn do đáy đầm bị xới tung. Khi lực lượng kiểm ngư tỉnh đóng chốt ở thôn Lệ Cam thì các ghe cào sò ít hoạt động, khi lực lượng chức năng rút đi thì mọi chuyện trở lại như cũ”.
Câu chuyện xung đột lợi ích giữa những người nuôi trồng và đánh bắt chân chính với các đối tượng khai thác sử dụng phương tiện cấm trên đầm Nha Phu không có gì lạ. Thực tế, người dân thôn Tân Thủy và ngư dân thôn Lệ Cam đã nhiều lần đụng độ nhau trên biển. Ông Trương Du Lẽ - Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá bền vững xã Ninh Phú cho biết: “Bức xúc trước việc phá hoại đầm Nha Phu của các ghe giã cào, nhiều lần ngư dân thôn Lệ Cam đã bắt ghe của người khai thác trái phép, nhưng những đối tượng này chống trả quyết liệt. Mới đây, các thành viên Tổ đồng quản lý nghề cá xã Ninh Phú cùng lực lượng Kiểm ngư tỉnh đã bắt giữ các ghe cào sò hoạt động trái phép trong đầm Nha Phu của ngư dân Ninh Lộc, Ninh Ích”.
Cần thiết lập khu bảo vệ đầm Nha Phu
Ông Trương Du Lẽ bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng đóng chốt để bảo vệ đầm Nha Phu từ lâu, có như thế mới có thể bảo vệ được nguồn lợi thủy sản trong đầm, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thiết lập khu bảo vệ biển đầm Nha Phu do địa phương, cộng đồng quản lý là hết sức cần thiết. Ngư dân thôn Lệ Cam sẵn sàng tham gia việc bảo vệ này”.
Kết quả tham vấn cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương các xã ven đầm Nha Phu do Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015 cho thấy, nguồn lợi trong đầm Nha Phu đang suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, so với 10 năm trước, nguồn lợi cá giảm hơn 50%, các loài thân mềm giảm 60%, các loài giáp xác giảm 50 - 90%...; diện tích rừng ngập mặn hiện chỉ còn 52,8ha (năm 1981 là 810ha). Thực tế, số lượng các nghề cấm như: đăng nò, lờ dây, giã cào… đã gia tăng đáng kể trong khu vực đầm Nha Phu. |
Ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cũng đồng tình: “So với những năm trước đây, các nghề khai thác, nuôi trồng trên đầm Nha Phu phát triển nhiều, xung đột lợi ích giữa các nghề theo đó càng nhiều hơn. Mặc dù nhiều địa phương ven đầm đã thành lập các tổ đồng quản lý nghề cá bền vững, nhưng việc quản lý đầm Nha Phu rất khó khăn, để xử lý các tàu thuyền hoạt động nghề cấm trong đầm không phải dễ dàng. Vì thế, thị xã Ninh Hòa mong muốn triển khai Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu”.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo với UBND tỉnh về Đề án thành lập Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu. Theo ông Quách Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) do Ngân hàng Thế giới tài trợ sẽ hỗ trợ việc phát triển và thiết lập Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu do địa phương quản lý. Dự kiến trong đầm Nha Phu sẽ xây dựng 2 vùng bảo vệ gồm: vùng Cồn Ngao (thuộc phường Ninh Hà và xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) có diện tích khoảng 711ha; vùng Hòn Lao - Hòn Thị (thuộc xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa và xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) có diện tích khoảng 2.907ha. Ngoài vùng bảo vệ còn có vùng phát triển khoảng 2.495ha. Việc thiết lập Khu bảo vệ biển đầm Nha Phu do địa phương quản lý nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường; quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển; cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư sống xung quanh đầm Nha Phu…
HẢI LĂNG