11:08, 22/08/2016

Bãi rác Dốc Đỏ: Cần xử lý rác bảo đảm môi trường

Trước tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường do đốt rác tại bãi rác Dốc Đỏ (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), ngành chức năng địa phương đang chuyển sang chôn lấp rác. Tuy nhiên, việc xử lý rác hiện nay chưa hợp lý về mặt kỹ thuật của một bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Trước tình trạng quá tải và ô nhiễm môi trường do đốt rác tại bãi rác Dốc Đỏ (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), ngành chức năng địa phương đang chuyển sang chôn lấp rác. Tuy nhiên, việc xử lý rác hiện nay chưa hợp lý về mặt kỹ thuật của một bãi chôn lấp hợp vệ sinh.


Bãi rác tạm


Thời gian qua, tại bãi rác Dốc Đỏ, rác được xử lý theo phương pháp đốt. Lò đốt được đầu tư theo công nghệ mới với công suất 8 tấn/ngày, nhưng chỉ có thể giải quyết từ 1/3 đến 1/4 lượng rác thải. Tuy nhiên, việc đốt rác đã gây ra tình trạng ô nhiễm xung quanh khu vực khiến dư luận bức xúc. Mặt khác, những người vô ý thức còn đem rác tới bỏ bừa bãi khiến khu vực này bị ô nhiễm và mất mỹ quan.

 

Bãi rác huyện Cam Lâm
Bãi rác huyện Cam Lâm


Theo ông Mai Như Chi - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Cam Lâm, trước tình hình trên, phòng đã đề xuất huyện chuyển hướng xử lý rác theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, ông Trương Văn Châu - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lâm cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã thông báo chủ trương cho phép Công ty Thành phố mới đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác (đã có quy hoạch 1/500) tại thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát (Cam Lâm) với quy mô liên huyện, sử dụng cho cả khu vực TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và Cam Lâm. Vì thế, việc xử lý rác tại bãi rác Dốc Đỏ chỉ là tạm thời. “Bãi rác hiện tại sẽ vận hành song song 2 biện pháp: lò đốt và chôn lấp rác hợp vệ sinh để giải quyết tình trạng quá tải trong khi chờ nhà máy xử lý rác hình thành”, ông Châu nói.


Được biết, Dốc Đỏ được huyện chọn làm địa điểm lập bãi rác vì thời gian trước, đây là nơi lấy vật liệu thi công Quốc lộ 1, có cao trình thấp hơn mặt đất xung quanh và xa khu dân cư. Lúc đầu, huyện thí điểm chọn một số xã gần khu vực bãi rác như: Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức… để đưa rác về xử lý. Song, trước tình trạng thiếu bãi rác và các xã đều thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên huyện phải đưa rác về tập kết tại bãi rác này.


Xử lý rác chưa bảo đảm kỹ thuật


Ông Phạm Thành Mai - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn - đơn vị đấu thầu xử lý rác tại bãi rác Dốc Đỏ cho biết, doanh nghiệp đang triển khai việc xử lý chôn lấp rác ô đầu tiên với quy trình như sau: rác tập kết về bãi được phân loại, phơi khô, phun chế phẩm diệt ruồi, khử mùi hôi, sát trùng. Sau đó, đưa rác xuống ô đầm nén với độ dày 2m, phủ một lớp đất dày 0,2m lên trên; tiếp tục làm như vậy cho đến khi ô rác đầy sẽ phủ một lớp đất dày rồi trồng keo với mật độ 2.500 cây/ha, tạo thành vành đai xanh xung quanh bãi rác có tác dụng ngăn mùi, điều hòa môi trường, khí hậu.


Theo ông Mai, việc xử lý rác tại ô xử lý hiện nay không cần lót bạt chống thấm bởi cấu tạo đất tại đây là đất sét, nước khó thẩm thấu nên không lo ảnh hưởng tới mạch nước ngầm. Ông Châu cũng cho biết, đơn vị quan trắc của tỉnh đã lấy mẫu giám sát, các chỉ số đều nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Vinh - Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT, Sở TN-MT, đến nay, đơn vị vẫn chưa nhận hợp đồng nào với huyện lấy mẫu kiểm tra các chỉ số tại bãi rác mà đó là kết quả kiểm tra định kỳ của điểm quan trắc theo quy hoạch thuộc mạng lưới quan trắc của tỉnh.


Ông Chi nhìn nhận, một bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh phải có sự đầu tư ngay từ đầu về hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn và quy hoạch được phê duyệt (có nghĩa là phải có lớp bạt lót đáy). Việc xử lý rác hiện nay chưa hợp lý về mặt kỹ thuật của một bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong điều kiện địa phương, nguồn kinh phí còn hạn chế nên không thể đầu tư xử lý triệt để những vấn đề môi trường của bãi rác. Trước mắt, huyện tập trung cải tạo môi trường tại bãi rác; vận động người dân phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi cho công tác xử lý rác tại bãi; vận hành tối đa công suất lò đốt; xử lý rác thải, hạn chế rác thải tồn đọng; định kỳ hàng tháng kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường không khí, nước ngầm, nước thải tại bãi rác để kịp thời xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, huyện Cam Lâm cần kiến nghị tỉnh đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai Dự án nhà máy xử lý rác tại xã Suối Cát. Như vậy, việc xử lý rác trên địa bàn huyện mới đảm bảo.


V.L